Với những kết quả khả quan trong năm 2017, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường nước ngoài, ưu tiên những thị trường có kim ngạch xuất khẩu cao, đồng thời tăng cường các hoạt động xúc tiến thị trường trong nước, tăng niềm tin của người tiêu dùng về nông sản sản xuất trong nước, kích cầu tiêu dùng...

 

3-(1).jpg

 

Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ. Ảnh: Sơn Hà


Tháo gỡ nhiều rào cản

Theo Bộ NN&PTNT, thành công từ con số tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2017 đạt 36,37 tỷ USD, tăng 4,19 tỷ USD so với năm 2016 xuất phát từ việc mở rộng được nhiều thị trường tiêu thụ quốc tế lớn. Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết: Bộ NN&PTNT phối hợp với nhiều bộ, ngành, địa phương tổ chức các diễn đàn, hội chợ, triển lãm và lễ công bố xuất khẩu các nông sản sang thị trường các nước. Đặc biệt, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, các địa phương để thực hiện các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong nước. Do vậy, 9 tháng qua, trừ mặt hàng thịt lợn (nguồn cung nhiều - giá giảm), hầu hết các loại nông sản được tiêu thụ kịp thời, giá ổn định ở mức có lợi cho nông dân. 

Bên cạnh đó, Bộ đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến các cam kết khi đưa nông sản vào các thị trường lớn và tháo gỡ các rào cản thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản. Nhờ đó, nhiều rào cản về thị trường nông sản, như: Kỹ thuật cho mặt hàng gạo ở Châu Phi; thịt lợn và nông sản vào Trung Quốc; xuất khẩu thịt gà vào Nhật Bản; vướng mắc trong thực thi một số đạo luật, tiêu chuẩn nông sản… đã được tháo gỡ. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phẩn Gentraco - một trong những công ty xuất khẩu gạo hàng đầu Việt Nam Nguyễn Trung Kiên cho biết: Gentraco sản xuất tất cả các loại gạo chất lượng cao như gạo trắng hạt dài 5%, 10%, 15%, 25%, 35%, 100% tấm. Mặc dù thị trường nhập khẩu gạo chất lượng của Việt Nam hạn chế, song với các hoạt động xúc tiến thương mại, Công ty đã tìm kiếm được thị trường xuất khẩu ổn định...

Tại thị trường trong nước, Bộ đã kết nối các doanh nghiệp nông nghiệp trong và ngoài nước nhằm đẩy mạnh các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản thông qua việc tổ chức các hội nghị, hội thảo xúc tiến, quảng bá: Hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; Diễn đàn thúc đẩy tiêu thụ rau quả Việt Nam - Trung Quốc; Hội nghị kết nối chuỗi phát triển sản xuất, cung ứng, tiêu thụ nông sản tỉnh Sơn La…

Đặt mục tiêu cho từng thị trường

Chất lượng nông sản đang là vấn đề để ngành Nông nghiệp xem xét, thiết lập thị trường tiêu thụ. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết: Các doanh nghiệp và tổ chức kinh doanh xuất khẩu nông sản cần liên kết nâng cao khâu chế biến và bảo quản nông sản nhằm đáp ứng yêu cầu từ thị trường nhập khẩu. Về phía mình, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung tháo gỡ rào cản kỹ thuật, nhất là các rào cản đang vướng mắc ở tại một số thị trường lớn như: EU, Mỹ, Trung Quốc đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực (thủy sản, hồ tiêu, gạo, rau quả). 

Bộ xác định rõ thị trường trọng tâm (Trung Quốc, EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc), thị trường tiềm năng (Trung Đông, Châu Phi), thị trường ngách (ASEAN, Hồng Kông, Singapore, Nga) để chủ động tổ chức quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu. Bộ cũng sẽ tập trung xây dựng hồ sơ về một số thị trường xuất khẩu nông sản chính của Việt Nam làm cơ sở tiến hành xây dựng hồ sơ về các thị trường tiếp theo. Bên cạnh đó việc xây dựng chương trình thương hiệu nông sản chủ lực, Bộ sẽ là cầu nối kết nối các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các đối tác có liên quan nhằm sản xuất các sản phẩm đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, các doanh nghiệp cần chú trọng thị trường nội địa, đặc biệt là những thị trường gắn với vùng nguyên liệu tập trung, nâng cao chất lượng hàng hóa, bảo đảm an toàn thực phẩm. Ngoài ra, tích cực giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc sản vùng miền, địa phương; ưu tiên hưởng ứng chương trình "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam"; đồng thời, cải tiến hiệu quả công tác thông tin, dự báo thị trường nông sản...

Tựu trung, phát triển thị trường nông sản rất cần sự chung tay của nhiều bộ, ngành và các doanh nghiệp, tổ chức sản xuất nông sản. Trong đó, việc thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp... là những yếu tố cốt lõi. Nhà nước cần tăng cường đầu tư vật chất, kỹ thuật phục vụ nghiên cứu và chuyển giao khoa học, công nghệ; ưu tiên cho nghiên cứu; chuyển giao và sản xuất các loại giống chất lượng cao; công nghệ chế biến, bảo quản giảm tổn thất sau thu hoạch, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ...

Theo HNO

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang