Số lượng người sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm sinh thái thân thiện gần đây cho thấy, thị trường của các sản phẩm thân thiện môi trường đang mở rộng. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và đẩy mạnh hiệu quả kinh doanh, nắm bắt xu hướng xanh của hiện tại và tương lai.
Tại Hội thảo “Chiến lược thương hiệu gắn với phát triển xanh”, bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu hành vi người tiêu dùng, Công ty Nielsen Việt Nam khu vực phía Bắc cho biết, người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các thương hiệu có cam kết “xanh” và “sạch”.
Cụ thể, có hơn 4 trong 5 người Việt được hỏi sẵn sàng chi trả cao hơn để mua các sản phẩm có cam kết về những tác động tích cực đến môi trường và xã hội. 80% người tiêu dùng lo ngại các tác hại lâu dài của nguyên liệu nhân tạo và 79% sẵn sàng trả thêm tiền để mua các sản phẩm không chứa các nguyên liệu mà họ không mong muốn.
Theo xu hướng tiêu dùng đó, nhiều doanh nghiệp đã nắm bắt cơ hội này để đẩy mạnh thương hiệu và hiệu quả kinh doanh bằng cách xây dựng niềm tin vào nhãn hàng thông qua các cam kết về trách nhiệm xã hội và môi trường, đặt vấn đề sức khỏe người tiêu dùng vào trọng tâm của việc phát triển sản phẩm, gắn phát triển sản phẩm với cam kết bền vững.
Cũng theo kết quả khảo sát nói trên, những thương hiệu sản xuất sạch và cam kết đem lại sản phẩm xanh và sạch có mức tăng trưởng bình quân cao gấp 4 lần so với doanh nghiệp cùng ngành, nhất là trong ngành thực phẩm, nước giải khát.
Ưu đãi từ chính phủ
Việc phát triển theo chiến lược xanh không chỉ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, mà còn tạo lợi thế để doanh nghiệp được hưởng các ưu đãi của Chính phủ.
Theo đó, tại Việt Nam, mục tiêu mà các doanh nghiệp hướng tới là đạt nhãn xanh Việt Nam. Đây là tên gọi của chương trình nhãn sinh thái tại Việt Nam được triển khai thực hiện từ năm 2009.
Chương trình được xây dựng nhằm khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp thiết kế sản phẩm và tiến hành hoạt động theo hướng giảm các tác động có hại tới tài nguyên và môi trường trong suốt quá trình khai thác nguyên liệu, sản xuất, bao gói, vận chuyển, tiêu thụ và thải bỏ sản phẩm; tạo lập thị trường bền vững cho sản phẩm thân thiện với môi trường thông qua các cơ chế ưu đãi cho tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu và tiêu dùng.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, sản phẩm được cấp nhãn sinh thái của tổ chức được Nhà nước công nhận là sản phẩm thân thiện với môi trường. Cơ sở sản xuất - kinh doanh sản phẩm thân thiện với môi trường sẽ được hưởng những ưu đãi, hỗ trợ về đất đai, vốn; miễn, giảm thuế, phí về bảo vệ môi trường. Vì vậy, khi sản phẩm của cơ sở được gắn Nhãn xanh Việt Nam cũng có nghĩa là cơ sở sẽ được hưởng những ưu đãi theo quy định của pháp luật.
Có thể nhận định rằng, nhãn sinh thái - Nhãn xanh Việt Nam sẽ là mục tiêu hướng tới của doanh nghiệp và thói quen tiêu dùng của người tiêu dùng. Doanh nghiệp hướng tới nhãn sinh thái để bảo đảm về thị phần kèm theo đó là lợi nhuận, người tiêu dùng hướng tới nhãn sinh thái để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng. Hai lợi ích, hai chủ thể, nhưng hướng tới một mục tiêu chung là bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sống.
Thách thức trong xu hướng tiêu dùng xanh
Trong thời gian tới, chất lượng “xanh” sẽ trở thành lợi thế cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp, giúp chiếm lĩnh thị phần tốt hơn. Để xây dựng chiến lược thương hiệu gắn với phát triển xanh, doanh nghiệp cần xây dựng được hình ảnh thương hiệu, sử dụng công nghệ giảm thiểu năng lượng và sử dụng năng lượng hiệu quả; đồng thời thực hiện trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường… Tuy nhiên, quá trình này không hề dễ dàng. Trong đó, một số khó khăn có thể kể tới như sau:
Thứ nhất, chưa giải quyết thỏa đáng mâu thuẫn giữa hai mục tiêu lợi nhuận và tăng trưởng xanh. Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, là mâu thuẫn giữa hai mục tiêu: lợi nhuận và tăng trưởng xanh, Vì phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu vốn cho đầu tư phát triển sản phẩm xanh.
Ngoài ra, còn có vấn đề về công nghệ. Công nghệ xanh trên thế giới có rất nhiều, nhưng thực tế áp dụng ở Việt Nam còn hạn chế nhất định. Doanh nghiệp có thể được chuyển giao công nghệ xanh hiện đại nhưng đôi khi yếu tố con người, trình độ năng lực chưa theo kịp.
Mâu thuẫn nói trên khiến doanh nghiệp ngại làm sản phẩm xanh, bền vững, bởi ảnh hưởng tới mục tiêu lợi nhuận. Bên cạnh đó, việc đầu tư, chi phí ban đầu tác động rất nhiều đến câu chuyện tiếp cận: doanh nghiệp sẽ tạo ra sản phẩm xanh, sạch, bền vững hay có xu hướng “hạ dần tiêu chí” để giảm chi phí.
Thứ hai, thiếu chính sách hỗ trợ phát triển xanh. Theo khảo sát của Trường đại học Bách khoa TP.HCM, có đến 70% doanh nghiệp chưa biết đến chứng nhận xanh Việt Nam; hơn nữa, 50% doanh nghiệp không quan tâm đến biến đổi khí hậu; 60% doanh nghiệp không sẵn lòng đầu tư cho sản phẩm xanh; chỉ 50% doanh nghiệp cho biết lý do doanh nghiệp đầu tư sản xuất - kinh doanh sản phẩm xanh là để bảo vệ môi trường; 23,3% doanh nghiệp cho biết lý do doanh nghiệp đầu tư sản xuất - kinh doanh sản phẩm xanh là để tiết kiệm năng lượng.
Trong khi đó, có 89% doanh nghiệp trả lời không nhận được sự hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước trong quá trình sản xuất - kinh doanh sảm phẩm xanh; chỉ có 26% doanh nghiệp cho biết họ nhận được sự ủng hộ của các nhà sản xuất, phân phối đối với sản phẩm xanh. Có thể thấy, vấn đề góp phần bảo vệ môi trường, giảm tiêu thụ nguyên nhiên vật liệu chưa được doanh nghiệp quan tâm, đặc biệt là khối doanh nghiệp thường.
Khối doanh nghiệp xanh có sự chủ động và nhận thức được vai trò, trách nhiệm của họ hơn là doanh nghiệp thường. Phần lớn doanh nghiệp quan tâm vấn đề kinh tế, chi phí đầu tư thấp, lợi nhuận cao, sau đó mới xét đến các vấn đề khác.
Trong lúc doanh nghiệp vẫn đang phải đối mặt với việc giải quyết hàng tồn kho, tìm kiếm và mở rộng thị trường, bảo hộ thương hiệu, tiếp cận vốn vay…, họ cũng phải tiếp tục lo thêm một khoản vốn đầu tư ban đầu khá cao khi thực hiện các dự án về sản xuất xanh, thì việc tiếp cận vốn vay vẫn còn nhiều khó khăn và hiện chưa có nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp vay vốn để phát triển xanh. Thế nên, nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với phát triển xanh cũng là điều dễ hiểu.
Thứ ba, trách nhiệm đối với môi trường của doanh nghiệp còn hạn chế. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, những nỗ lực chỉ từ phía cơ quan quản lý là không đủ, mà quan trọng hơn là sự thống nhất của tất cả các thực thể tham gia nền kinh tế phải vào cuộc từ ý thức tới hành động.
Điều này đối với các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn khoảng cách rất lớn. Nếu không từ bỏ kiểu làm ăn “chụp giật”, ngắn ngày và thay vào đó là tư duy phát triển bền vững, khi các hiệp định về thương mại có hiệu lực với những quy định ngặt nghèo, nguy cơ phá sản là không nhỏ.
Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chi phí tài nguyên và mức phát thải trung bình của các doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung cao hơn so với mức trung bình của khu vực và thế giới. Mức sử dụng nước ở nhiều ngành công nghiệp là rất cao và lãng phí.
Chẳng hạn, sản xuất một tấn giấy mất hơn 500 m3 nước, gấp 5 lần so với chỉ tiêu trên thế giới (xấp xỉ 100 m3/tấn). Nước thải của ngành công nghiệp chế biến thực phẩm cao gấp 3 - 4 lần so với chỉ tiêu thế giới. Bên cạnh đó, chi phí năng lượng cao phổ biến trong các ngành công nghiệp: ngành giấy tiêu hao 1.200 kwh và 1,5 tấn than/tấn giấy tẩy trắng; ngành thép cần 700.000 kwh/tấn thép thỏi và 25 kwh/tấn gang tinh luyện.
Trong khi đó, với đà phá triển kinh tế mạnh mẽ trong hơn 10 năm qua, nhiều thói quen tiêu dùng, nhất là ở thế hệ trẻ, đã trở thành một trong những nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp khiến cho các nguồn tài nguyên bị khai thác và môi trường bị ô nhiễm, gây mất cân bằng sinh thái và phát triển không bền vững.
Các hoạt động đã triển khai mới dừng ở nâng cao nhận thức cộng đồng trong sử dụng các sản phẩm sinh thái, túi nilon sinh thái, 3R và là những hoạt động đơn lẻ, chưa kết nối với nhau, phạm vi tác động chỉ trong khuôn khổ của một nhóm đối tượng hưởng thụ trực tiếp, vì vậy chưa có tính phổ biến và tính bền vững. Hiện trạng này cần thay đổi để thúc đẩy các DN ngày càng hướng đến sản phẩm xanh.
Theo TNCK