Xây nhà tái định cư ở Hồ Thành Công: Đừng lấp chỗ này, khoét chỗ kia

Xây nhà tái định cư ở Hồ Thành Công: Đừng lấp chỗ này, khoét chỗ kia

Mặc dù chủ đầu tư cho biết không thay đổi tổng diện tích hồ (lấp chỗ này sẽ đào thêm chỗ khác) nhưng đề xuất lấp 1 ha hồ Thành Công (Hà Nội) lấy đất xây dựng cải tạo khu tập thể Thành Công cũ nát đã nhận được nhiều ý kiến không đồng thuận.


Mới đây, trong một cuộc họp của Sở Xây dựng Hà Nội bàn về các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án cải tạo chung cư, khu tập thể cũ nát vốn đang rất ì ạch, các doanh nghiệp đã phàn nàn về việc không thể giải phóng mặt bằng.

Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đô thị Việt Hưng (Vihajico) đã bất ngờ đưa ra đề xuất: Dùng 1 ha diện tích mặt hồ Thành Công hiện hữu để xây nhà ở tái định cư cho người dân tại khu tập thể Thành Công, đồng thời hoàn lại bằng cách đào bổ sung 1 ha mặt nước về phía Bắc. 

 

Vị trí hồ Thành Công trên bản đồ Hà Nội.

Đề xuất này tưởng chừng sẽ là một giải pháp gỡ nút thắt cho "bài toán khó" khu tập thể Thành Công đang xuống cấp nghiêm trọng nhưng không thể cải tạo do người dân không chịu di chuyển đến nơi ở mới. Tuy nhiên, các chuyên gia xây dựng, kiến trúc lại không đồng tình.

Theo TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, nguyên kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội, trong khi cây xanh, mặt nước đang được người dân hết sức quan tâm thì doanh nghiệp chủ động đề xuất giảm diện tích không gian xanh là không ổn. Hơn nữa, tăng dân số trong nội đô là không đúng với chủ trương của thành phố.

Kể cả trong trường hợp doanh nghiệp bù lại 1 ha mặt nước mới cho hồ Thành Công thì ông Nghiêm vẫn băn khoăn tính khả thi. "Đào thêm 1 ha ở chỗ khác thì hình dáng hồ như thế nào, có ảnh hưởng tới vấn đề thoát nước mặt, địa chất, thủy văn hay không?”, chuyên gia này đặt câu hỏi. 

Theo ông Nghiêm, cải tạo các khu chung cư cũ là vấn đề mà Hà Nội đã triển khai rất lâu nhưng vướng mắc ở việc tái định cư, giải phóng mặt bằng. Vì vậy, tìm ra một giải pháp thích hợp là điều cần thiết. Định hướng trong việc cải tạo các khu chung cư này đã được xác lập rất rõ trong các nghị định, trong các chương trình phát triển của thành phố, cũng như trong quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội đến 2030. Đặc biệt, phải tuân thủ Luật Thủ đô, tức là tuân thủ quy hoạch chung.

Hiện nay, không gian xanh, mặt nước Hà Nội hiện nay đang ở mức rất thấp. Nếu muốn việc cải tạo chung cư không làm tăng dân số, không gây áp lực cho thành phố thì doanh nghiệp nên tìm giải pháp khác, cân đối ở những khu vực mà Hà Nội đang mong muốn phát triển.

“Đừng lấp chỗ này, khoét chỗ kia, giải pháp ấy chưa tính tới tổng thể quy hoạch. Cách làm này cũng không tuân theo quy hoạch chung vì doanh nghiệp mới đưa ra phương án cân bằng diện tích mặt nước nhưng không tính tới mối liên kết với hạ tầng xung quanh”, ông Nghiêm nhận xét về đề xuất của Vihajico.

TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cũng cho rằng đề xuất của chủ đầu tư không khả thi. Ông nói: "Sự tồn tại của hồ Thành Công từ lâu nay đã có rồi, giờ phá sự cân bằng ấy và thay bằng cân bằng khác là không ổn”.

Hồ Thành Công hiện là nơi nghỉ ngơi, thư giãn của nhiều người dân.

Về phía chủ đầu tư Vihajico, trong thông cáo gửi báo chí, đơn vị này cho biết: Hầu hết các dự án cải tạo xây dựng chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội các năm qua gặp khó khăn, bế tắc chủ yếu ở khâu đền bù giải phóng mặt bằng, vấn đề tạm cư cho người dân… Với đề xuất do đơn vị tư vấn uy tín Singapore thực hiện này, có thể xây nhà tái định cư ngay mà chưa cần phải di dời, tạm cư cho các hộ dân đang sử dụng khu tập thể. Thay vì việc nhận tiền tự lo nơi ở tạm cư ở vị trí khác hoặc phải di chuyển cả hộ gia đình, người dân sẽ được sử dụng nhà ở ngay tại chính khu vực mình đang sinh sống.

Tuy vậy, đây mới chỉ là đề xuất, Vihajico đã trình lên Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, Sở Xây dựng để lấy ý kiến triển khai thực hiện dự án. Đánh giá về đề xuất này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết, có những đề xuất mà ngay cả thành phố chưa thể quyết được. Ví dụ lấy một hécta hồ Thành Công làm nhà cho dân. Đề xuất này được cho dân, được cho doanh nghiệp, nhưng liệu thành phố có dám xóa bỏ quy hoạch chỗ đó không? Chủ đầu tư nói sẽ đào thêm hồ chỗ khác nhưng chắc gì đã làm được (!).

Ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, thành phố có gần 1.300 chung cư cũ có quy mô 2-5 tầng. Các khu này đều được xây dựng từ những năm 1960 đến 1990 và đa số đều hết niên hạn sử dụng. Thành phố đã giao nhiệm vụ cho các nhà đầu tư phối hợp với chính quyền địa phương điều tra xã hội học, thiết kế, quy hoạch tại 26 khu chung cư tập trung và 67 nhà chung cư độc lập. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 14 chung cư cũ được xây dựng mới và đưa vào sử dụng, 5 khu đang phá dỡ, 4 khu nguy hiểm cấp D đang tổ chức di dời nhưng chưa có phương án xây dựng lại.

Hồ Thành Công nằm trong công viên Indira Gandhi, đối diện Trung tâm chiếu phim Quốc gia, giáp hai trục đường chính là đường Láng Hạ và đường Huỳnh Thúc Kháng. Công viên có diện tích trên 8,6 ha, trong đó có 5,9 ha diện tích mặt hồ.

Theo Báo tin tức

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang