Nhân viên đang sơ chế tổ yến nuôi
Ông Lê Văn Lành – chủ cơ sở nuôi chim yến ở Ninh Hòa (Khánh Hòa) cho biết: “Hiện, giá tổ yến đang giảm mạnh. Nếu trước đây, tôi bán yến thô cho các doanh nghiệp từ 40 – 45 triệu đồng/kg thì nay chỉ còn 18 triệu đồng/kg. Lý do là từ năm 2011, do dịch cúm H5N1 tràn qua nên yến rớt giá. Mặc dù nghề nuôi yến ở Ninh Hòa khá phát triển nhưng vẫn còn manh mún, tự phát, mạnh ai nấy làm. Sản phẩm có được lại không có thương hiệu gì nên khi doanh nghiệp ép giá thì mình phải chịu thôi”.
Tại TPHCM, hiện có 542 nhà yến ở 19 quận huyện. Sản lượng năm 2015 đạt 61,5 triệu tấn/năm, trong đó, nhiều nhất là Cần Giờ với 231 triệu tấn/năm. Sắp tới, những quận huyện như Cần Giờ, Củ Chi, quận 9 sẽ được quy hoạch để phát triển hơn, còn huyện Nhà Bè cũng có nuôi yến nhưng không có chủ trương phát triển, mở rộng.
Ông Nguyễn Văn Trực – Phó giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM cho biết: “Thành phố đã có quy hoạch vùng nuôi chim yến trong nhà đến năm 2025. Mới đây, UBND TP cũng đã ban hành quyết định thành động hội thẩm định dự án. Đây là những tiền đề để ngành yến ở Cần Giờ nói riêng và thành phố nói chung được phát triển, nhân rộng”.
Nói về chất lượng yến nuôi, ông Trực cho rằng đây là sản phẩm tốt cho sức khỏe và có giá trị về mặt thị trường. Tuy nhiên, vẫn có những sản phẩm ra đời với chất lượng không đảm bảo, giá thành lại cao. Đó là chưa kể nhiều yến ngoại có giá trị thấp nhưng khi vào Việt Nam lại “đội lốt” hàng Việt có thương hiệu, giá cao ngất ngưỡng làm thiệt hại cho người tiêu dùng. Vì vậy, cần phải có một hội riêng cho ngành yến nhà, sản xuất bảo đảm, uy tín, tạo được thương hiệu để không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn tiến đến xuất khẩu.
Theo Tiền phong