Trong khuôn khổ Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) phối hợp với Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức hội thảo xây dựng thương hiệu với chủ đề “Chiến lược thương hiệu gắn với phát triển xanh”.
ThS Vũ Xuân Trường, chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI) trình bày tham luận
Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng xây dựng thương hiệu, đặc biệt phát triển thương hiệu gắn với yếu tố xanh ngày càng có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Theo nghiên cứu của Cty Nielsen Việt Nam, các thương hiệu có cam kết xanh và sạch có mức tăng trưởng bình quân khoảng 4%/năm. Đơn cử ngành hàng thực phẩm và nước giải khát, mức tăng trưởng nhanh hơn so với toàn thị trường từ 2,5-11,4%. Khảo sát cũng cho thấy, khoảng 79% người Việt sẵn sàng trả thêm tiền để mua các sản phẩm sạch. “Năm yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng Việt là có lợi cho sức khỏe - 77%, sản phẩm hữu cơ, tự nhiên – 77%, niềm tin vào nhãn hàng – 75%, thân thiện với môi trường – 62%, có cam kết về giá trị xã hội – 61%. Trong đó có lợi cho sức khỏe là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng bởi người tiêu dùng lo ngại tác hại lâu dài của các nguyên liệu nhân tạo”, bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc Nghiên cứu hành vi người tiêu dùng của Cty Nielsen Việt Nam khu vực phía Bắc cho biết.
Xu hướng tiêu dùng xanh của người dân đã tạo cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp, tuy nhiên cũng là thách thức. Theo ThS Vũ Xuân Trường, chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI), chất lượng “xanh” trở thành lợi thế cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp nhằm chiếm lĩnh thị phần tốt hơn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, để phát triển thương hiệu “xanh” ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là chi phí đầu tư. Điều này dường như mâu thuẫn giữa hai mục tiêu lợi nhuận và tăng trưởng xanh. Nguyên do, cộng đồng doanh nghiệp hiện nay phần lớn có quy mô nhỏ và vừa, năng lực vốn yếu trong khi phát triển sản phẩm xanh cần đầu tư rất lớn. Công nghệ xanh trên thế giới có rất nhiều nhưng thực tế áp dụng tại DN còn hạn chế do nhân lực chưa đáp ứng cũng là trở ngại không nhỏ. Trong khi đó, không ít người tiêu dùng vẫn cho rằng sản phẩm xanh là loại hàng hóa đặc biệt, chỉ những người tiêu dùng có thu nhập ở một mức độ nào đó mới có khả năng chi trả. Kết quả điều tra của Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho thấy: Chỉ người tiêu dùng tại các thành phố mới sẵn sàng trả giá cao cho sản phẩm xanh, rất nhiều người dân khu vực nông thôn không chú ý tới vấn đề này.
Bên cạnh đó, các ý kiến tại hội thảo còn cho rằng, lòng tin vào sản phẩm “xanh”, “sạch” của người tiêu dùng vẫn còn mong manh trước sự ngờ vực “Hôm nay, chất lượng tốt, nhưng một thời gian sau có giữ được như vậy, hay trà trộn những loại khác vào?”. Thực tế cũng chứng minh, rất nhiều người dân sẵn sàng mua hàng trôi nổi trên các mạng xã hội mà không có nhãn mác, không có gì để chứng minh “xanh”, “sạch” như quảng cáo, điều duy nhất là lòng tin ở sự quen biết hoặc giới thiệu của người này người kia. Bà Đặng Thúy Hà khẳng định: Doanh nghiệp cần xây dựng niềm tin vào nhãn hàng thông qua các cam kết về trách nhiệm xã hội và môi trường; doanh nghiệp luôn đặt vấn đề sức khỏe vào trọng tâm của việc phát triển sản phẩm để cung cấp cho khách hàng và có một chiến lược trọng tâm về phát triển sản phẩm gắn liền với cam kết bền vững. Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng: Việc thúc đẩy các thương hiệu Việt Nam hướng tới phát triển xanh để tạo một nền kinh tế xanh cho đất nước thì vai trò của Nhà nước đặc biệt quan trọng. Khâu quản lý, giám sát phải được thực hiện tốt, tạo sự minh bạch mới xây dựng được niềm tin với người tiêu dùng. Cần truyền thông rộng rãi để không chỉ doanh nghiệp mà cả người tiêu dùng nhận thức được tầm quan trọng của sản xuất xanh, tiêu dùng xanh.
Theo Báo Văn Hóa