Sáng 19/4, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương phối hợp với Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức Hội thảo “Chiến lược thương hiệu gắn với phát triển xanh”, nhằm tạo cơ hội thúc đẩy các thương hiệu Việt Nam hướng tới tăng trưởng xanh để tạo một nền kinh tế xanh cho đất nước.
Hội thảo “Chiến lược thương hiệu gắn với phát triển xanh”
Xây dựng thương hiệu gắn với yếu tố xanh – sử dụng nguyên vật liệu, công nghệ thân thiện, đưa ra các sản phẩm “sạch”, đảm bảo môi trường có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Theo nghiên cứu của Công ty Nielsen Việt Nam – 1 công ty nghiên cứu về thị trường, các thương hiệu có cam kết “xanh” và “sạch” có mức tăng trưởng cao, khoảng 4%. Điển hình trong ngành hàng thực phẩm và nước giải khát, mức tăng trưởng nhanh hơn so với toàn thị trường từ 2,5-11,4%.
Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sản phẩm tốt cho sức khỏe và ít tác động đến môi trường. Theo thống kê, khoảng 80% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn để mua các sản phẩm có nguyên liệu đảm bảo thân thiện với môi trường, có thương hiệu “xanh” và “sạch”.
Theo ông Vũ Xuân Trường, Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và cạnh tranh, chất lượng “xanh” trở thành lợi thế cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp nhằm chiếm lĩnh thị phần tốt hơn. Doanh nghiệp cần xây dựng được hình ảnh thương hiệu, sử dụng công nghệ hiệu quả, đồng thời thực hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường…
Ông Vũ Xuân Trường nêu thực tế: Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ là mâu thuẫn giữa 2 mục tiêu là lợi nhuận và tăng trưởng xanh. Phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa thiếu vốn cho đầu tư phát triển sản phẩm xanh. Ngoài ra, công nghệ xanh trên thế giới thì có rất nhiều, nhưng thực tế áp dụng ở Việt Nam còn hạn. Doanh nghiệp có thể được chuyển giao công nghệ xanh hiện đại nhưng đôi khi yếu tố con người, trình độ năng lực chưa theo kịp.
Đại diện Cục Xúc tiến thương mại cho biết, sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình cấp nhãn sinh thái của Việt Nam (Nhãn xanh Việt Nam). Theo đó, xây dựng tiêu chí cho các sản phẩm ưu tiên trên thị trường. Nâng cao nhận thức về chương trình Nhãn xanh Việt Nam. Thúc đẩy việc công nhận lẫn nhau giữa Nhãn xanh Việt Nam và chương trình nhãn sinh thái của các nước khác, góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận, mở rộng thị trường./.
Theo VOV