Biến nguyện vọng thành động lực cạnh tranh và phát triển

Biến nguyện vọng thành động lực cạnh tranh và phát triển

Với chủ đề “Kinh doanh lành mạnh - Tiêu dùng bền vững” đã được Bộ Công Thương lựa chọn nhằm triển khai hoạt động hưởng ứng “Ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam” năm 2018.

 


Liên tiếp thời gian gần đây nhiều người tiêu dùng bị thiệt hại bởi những sản phẩm kém chất lượng hay bị lợi dụng trước những biến tướng từ mô hình bán hàng đa cấp. Với chủ đề “Kinh doanh lành mạnh - Tiêu dùng bền vững” đã được Bộ Công Thương lựa chọn nhằm triển khai hoạt động hưởng ứng “Ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam” năm nay. 

Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa tại hệ thống siêu thị Co.op mart TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ–TTXVN

*Nâng cao ý thức 

Đã trở thành thông lệ, kể từ 3 năm nay Việt Nam đã chọn ngày 15/3 là “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam” nhằm định hướng, phát huy ý thức tôn trọng người tiêu dùng của doanh nghiệp, xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh. 

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng mong muốn nâng cao ý thức chủ động tự bảo vệ của người tiêu dùng khi tham gia giao dịch hàng hóa, cũng như trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức xã hội trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, nhằm có những hành động thiết thực, ý nghĩa hơn đối với người tiêu dùng, hưởng ứng "Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam", đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong doanh nghiệp và xây dựng Chính phủ kiến tạo và phục vụ, Bộ Công Thương triển khai nhiều chương trình mang tính tự nguyện. Đồng thời, cùng hợp tác nhằm nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp, xã hội đối với người tiêu dùng nói riêng và người dân nói chung. 

Qua đây, Bộ Công Thương hy vọng sẽ giúp doanh nghiệp thực thi đúng các qui định của pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đáp ứng tốt nhất nhu cầu, nguyện vọng. Từ đó, tạo ra động lực phát triển, nâng cao lợi thế, năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh; đóng góp cho sự phát triển ổn định, bền vững của nền kinh tế.

Số lượng phản ánh khiếu nại của người tiêu dùng gửi đến Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng(Bộ Công Thương) cho hay, Lễ phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm nay được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng. Ngoài ra, lễ hưởng ứng sự kiện này còn được tổ chức tại Vườn hoa Lý Thái Tổ, không gian phố đi bộ của Hà Nội từ ngày 16 - 18/3 với nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá để tri ân khách hàng trên địa bàn Thủ đô. 

Bên cạnh đó, các hoạt động như hội thảo, tập huấn, khóa đào tạo theo chủ đề năm 2018, dự kiến Bộ Công Thương sẽ tổ chức Ngày tri ân người tiêu dùng dành cho doanh nghiệp. Việc làm này nhằm khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại theo định hướng gia tăng quyền lợi cho người tiêu dùng và đẩy mạnh hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. 

Mặt khác, Bộ Công Thương cũng tổ chức trao giải, khen thưởng nhằm tôn vinh các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 

Cũng theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, các hoạt động tại địa phương sẽ do UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước lập kế hoạch chi tiết, bố trí kinh phí và tổ chức thực hiện.

Các đơn vị tham gia phối hợp bao gồm các Sở, ban, ngành ở địa phương, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh, các hiệp hội doanh nghiệp, cơ quan truyền thông, báo chí và các tổ chức, cá nhân có liên quan tại địa phương. 

Theo đó, các địa phương có thể tổ chức các buổi mít tinh, tuần hành, diễu hành; treo băng rôn, khẩu hiệu trên các tuyến phố, các địa điểm công cộng và các hoạt động thúc đẩy sự hiểu biết và tương tác giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. 

Bộ Công Thương cũng khuyến khích các địa phương có sự phối hợp, lồng ghép các hoạt động của Trung ương và địa phương cũng như giữa các địa phương để tăng tính thống nhất, lan tỏa và tiết kiệm ngân sách nhà nước và nguồn lực chung của xã hội. 

*Bắt tay hợp tác 

Để quyền lợi người tiêu dùng được bảo vệ một cách tối đa, thời gian qua Bộ Công Thương đã liên tiếp chấm dứt hoạt động của nhiều công ty bán hàng đa cấp cũng như ban hành nhiều văn bản như một công cụ hỗ trợ người tiêu dùng. 

Ngoài ra, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử www.vca.gov.vn để giúp người dân tránh bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào các hoạt động bán hàng đa cấp bất chính, lợi dụng mô hình kinh doanh theo phương thức đa cấp để huy động tài chính.

Người tiêu dùng mua sắm tại Hội chợ hàng tiêu dùng. Ảnh Uyên Hương/BNEWS

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nhấn mạnh: Trong bối cảnh không ít tổ chức, cá nhân kinh doanh không lành mạnh, vi phạm pháp luật gây thiệt hại quyền lợi người tiêu dùng, thì quan điểm “Kinh doanh lành mạnh” luôn phải được các doanh nghiệp đặt lên hàng đầu. 

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, doanh nghiệp và người tiêu dùng nên tăng cường hợp tác bởi lẽ, thông điệp này không chỉ là đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội, tinh thần thượng tôn pháp luật mà còn vì quyền lợi người tiêu dùng và vì chính quyền lợi của tổ chức, cá nhân kinh doanh. 

Việc kinh doanh lành mạnh mới góp phần vào tiêu dùng bền vững bởi trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã thành công khi không chỉ biết lắng nghe mà còn chủ động thuê khảo sát ý kiến người tiêu dùng, từ đó đưa ra chiến lược kinh doanh phù hợp. 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng thẳng thắn thừa nhận rằng: Thật đáng tiếc khi sản phẩm của doanh nghiệp bán ra bị khuyết tật nhưng trong thời hạn bảo hành, doanh nghiệp lại tìm cách đổ lỗi cho khách hàng để chối bỏ trách nhiệm. 

Đây không những là việc làm thiếu trách nhiệm mà còn tự đánh mất lòng tin của người tiêu dùng cũng như tự hủy hoại uy tín và thương hiệu của chính bản thân. Tuy nhiên, bên cạnh những động thái từ phía cơ quan quản lý và doanh nghiệp, người tiêu dùng cũng cần hợp tác, bày tỏ thái độ xây dựng khi góp ý với doanh nghiệp. 

Đặc biệt hơn, người tiêu dùng nên dành thời gian tìm hiểu để nắm vững pháp luật về quyền và lợi của mình. Thận trọng khi quyết định mua hàng và sử dụng dịch vụ, không ham rẻ, luôn cảnh giác với những lời quảng cáo là hành trang giúp người tiêu dùng nâng cao kiến thức bảo vệ an toàn cho chính mình, cộng đồng xã hội và cũng chính là bảo vệ sự phát triển bền vững của kinh tế đất nước. 

Quản lý thị trường kiểm tra an toàn thực phẩm. Ảnh: Bộ Công Thương

Tại nhiều cuộc họp của Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng đã kêu gọi sự tham gia của toàn xã hội vào việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với mục tiêu xây dựng một xã hội phồn vinh, văn minh, một môi trường kinh doanh – tiêu dùng lành mạnh và bền vững. 

Với riêng các doanh nghiệp, người đứng đầu ngành công thương bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp hãy tự khẳng định mình thông qua việc thực hiện tốt nhất các nghĩa vụ nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, biến những nhu cầu, nguyện vọng của người tiêu dùng thành động lực cạnh tranh và phát triển cho doanh nghiệp. 

Bên cạnh việc kêu gọi các doanh nghiệp thực thi đúng, tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đây còn là cam kết từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, lấy người tiêu dùng làm thước đo cho sự phát triển của thị trường./. 

Theo Bnews/TTXVN

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang