Grab và Go-Jek đang cạnh tranh nhau trong những mảng nào?

Grab và Go-Jek đang cạnh tranh nhau trong những mảng nào?

Mặc dù cùng mục tiêu thành 'siêu ứng dụng' tại Đông Nam Á, nhưng Grab và Go-Jek chọn con đường riêng và đang hơn thua nhau ở các mảng khác nhau.


Cả Grab và Go-Jek đều dùng thuật ngữ “siêu ứng dụng để miêu tả về mình và lan tỏa ra khắp Đông Nam Á. Việc này cho thấy tham vọng trở thành ứng dụng cung cấp đa dịch vụ, giúp người dùng giải quyết các nhu cầu hàng ngày, từ đi lại đến ăn uống, giải trí, tương tự như WeChat ở Trung Quốc.

Cả hai công ty bắt đầu từ dịch vụ gọi xe nhưng cách tiếp cận lại khác nhau. Grab ban đầu là công cụ tổng hợp taxi, rồi có thêm ôtô theo mô hình của Uber. Sau đó, công ty mở thêm dịch vụ gọi xe hai bánh. Trong khi, Go-Jek xuất phát từ gọi xe hai bánh và mở rộng ra ô tô và taxi.

Mục tiêu cuối cùng của cả Grab và Go-Jek là muốn hàng triệu người dùng dành rất nhiều thời gian và tiền bạc cho nền tảng 'siêu ứng dụng' của họ. Tuy nhiên, cả hai chọn chiến lược khác nhau.

Grab có nguồn gốc vững chắc trong việc cung cấp một loạt các dịch vụ vận tải. Điều này dễ hiểu vì hệ thống giao thông không đầy đủ là một vấn đề lớn ở hầu hết các nước Đông Nam Á, trừ Singapore và Malaysia. Bằng cách giải quyết vấn đề này, Grab có khả năng có được những khách hàng trung thành, sử dụng dịch vụ của họ để đi lại hàng ngày trên khắp Đông Nam Á.

Tuy nhiên, dịch vụ vận chuyển cũng tốn kém và Grab sẽ cần cải thiện tài chính thông qua các dịch vụ có lợi nhuận cao hơn, chẳng hạn như giao đồ ăn. Trong khi đó, Go-Jek đã và sẽ tiếp tục chú ý nhất đến thị trường quê nhà, muốn kiểm soát hàng loạt dịch vụ, từ dọn dẹp nhà cửa đến video giải trí.

Go-Jek được yêu thích ở Indonesia. Theo một khảo sát gần đây của Alvara, Go-Jek là ứng dụng được sử dụng nhiều nhất trong các chuyến đi, giao thức ăn và thanh toán kỹ thuật số đối với giới trẻ.

Ở các quốc gia ngoài Indonesia, Go-Jek vẫn còn nhiều điều phải chứng minh, đặc biệt là vận chuyển bằng xe hơi. Giao thức ăn, sức mạnh của Go-Jek tại Indonesia, cũng không dễ dàng ở Thái Lan và Việt Nam, nơi có Grab và các đối thủ địa phương khác.

Khi nói đến các dịch vụ tài chính và bảo hiểm vi mô, hai nền tảng này dường như có một chiến lược tương tự nhau. Họ nhận thức được tầm quan trọng của việc đáp ứng 400 triệu cá nhân không có tài khoản ngân hàng ở Đông Nam Á.

Việc thiếu các dịch vụ tài chính truyền thống có nghĩa đây là một thị trường lớn cho Grab và Go-Jek. Với khả năng tiếp cận hàng triệu người dùng, họ có lợi thế riêng trong việc nắm bắt cơ hội này so với những Fintech khách. Do đó, không gì ngạc nhiên khi thấy Grab và Go-Jek tăng cường lấn sân lĩnh vực này trong tương lai gần.

Ngày nay, hai nền tảng đã phát triển rộng hơn phạm vi cung cấp ban đầu. Cùng với đó, họ cũng hơn và kém nhau ở từng mảng cụ thể.

Vận chuyển

Grab đặt mục tiêu phát triển tầm khu vực ngay từ đầu. Các dịch vụ cơ bản ở tất cả các thị trường là GrabTaxi và GrabCar, còn GrabBike chỉ có ở Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Campuchia.

Grab cũng thử nghiệm một số phương thức vận chuyển truyền thống tại vài thị trường. Tại Indonesia, Grab cung cấp GrabBajay (xe ba bánh) trong khi có ThoneBane ở Myanmar, Tuktuks ở Thái Lan và Remorque ở Campuchia. Các dịch vụ này khá hạn chế về quy mô nhưng khiến truyền thông chú ý.

Hãng còn có dịch vụ cho thuê xe theo giờ ở các thị trường trừ Philippines và Myanmar. GrabShare, cho hành khách cùng chia sẻ chuyến đi tại các thị trường trừ Indonesia, Thái Lan và Campuchia. Tại Singapore và Philippines, hãng có thêm GrabFamily, với xe trang bị ghế trẻ em hay GrabPet có tài xế được đào tạo về xử lý thú cưng.

Trong khi đó, mảng vận tải của Go-Jek khá đơn giản. Ở quê nhà, Go-Jek có gọi xe hai bánh GoRide, gọi ôtô GoCar và GoBlueBird hợp tác với nhà điều hành taxi lớn nhất Indonesia. Tại Singapore, công ty chỉ có GoCar vì luật không cho phép taxi hai bánh. Ngược lại, tại Việt Nam, nơi Go-Jek hoạt động dưới tên Go-Viet và tại Thái Lan với tên là GET, hãng chỉ mới cung cấp dịch vụ gọi xe máy.

Giao đồ ăn

Giao đồ ăn là một phần quan trọng của Go-Jek ngay từ đầu và Grab làm theo ý tưởng này. GrabFood có ở các thị trường trừ Myanmar và Campuchia. Indonesia và Việt Nam là hai thị trường lớn nhất của GrabFood. Một khảo sát của Kantar TNS vào tháng 1/2019 cho biết GrabFood là dịch vụ giao thức ăn được sử dụng nhiều nhất tại Hà Nội và TP HCM.

Tại Indonesia, GrabFood hiện không có khả năng đánh bại GoFood. Kết quả khảo sát của IDN Times tại 6 sáu thành phố nước này cho biết, 78% số người được hỏi đã chọn GoFood thay vì GrabFood khi nói đến các dịch vụ giao thức ăn trực tuyến. Tuy nhiên, về độ phủ thị trường, GrabFood đi trước vì GoFood chỉ mới có ở Indonesia, Việt Nam và Thái Lan.

Giao tạp hóa

Go-Jek đã từng cung cấp một dịch vụ hợp tác với một số siêu thị và chợ nhỏ tên là Go-Mart, cho phép đặt hàng tạp hóa tươi, thực phẩm đóng gói và đồ gia dụng. Tuy nhiên, Go-Mart đã bị khai tử và chưa được khởi động lại.

Trong khi đó, Grab mất nhiều thời gian hơn để thêm tính năng này thông qua hợp tác với HappyFresh, hiện có ở Indonesia, Thái Lan và Malaysia.

Giao hàng

Grab cung cấp dịch vụ giao hàng trong ngày thông qua GrabExpress ở tất cả thị trường, trừ Myanmar và Campuchia. Hãng hợp tác cùng Ninja Van cho các đơn hàng giao xa và qua ngày.

Go-Jek có dịch vụ GoSend tại Indonesia, Việt Nam và Thái Lan. Công ty cũng cung cấp GoBox ở quê nhà, dịch vụ gọi xe tải giao nhận hàng hóa và chuyển nhà. Đầu năm nay, công ty hợp tác với hãng hàng không quốc gia Garuda Indonesia, cho phép người dùng gửi hàng trên khắp Indonesia.

Thanh toán điện tử

Việc có được giấy phép phù hợp để vận hành thanh toán điện tử ở thị trường nước ngoài là thách thức đối với cả Grab và Go-Jek. Grab có giải pháp thanh toán riêng là GrabPay tại Singapore, Malaysia và Philippines.

Tại Indonesia, thanh toán không tiền mặt được triển khai thông qua hợp tác với nền tảng địa phương có tên Ovo. Họ cũng làm cách tương tự tại Việt Nam bằng cách hợp tác cùng Moca. Còn tại Thái Lan, hãng dự kiến ra mắt ví điện tử GrabPay by KBank sau khi nhận đầu tư 50 triệu USD của Kasikornbank.

Gojek cũng đang đi theo con đường hợp tác. Tại Singapore, công ty liên kết với DBS Bank để cung cấp các tùy chọn thanh toán qua DBS Paylah!. Tại Thái Lan, công ty con GET đã tung ra bản beta ví GetPay thông qua hợp tác cùng Siam Commercial Bank (SCB).

Có khả năng là Go-Viet tại Việt Nam sẽ ra mắt dịch vụ thanh toán di động trong năm nay vì công ty đã tăng tốc tuyển dụng cho mảng tài chính của mình. Tuy nhiên, không rõ Go-Viet sẽ tung ra GoPay của riêng mình hay hợp tác chiến lược với một nền tảng địa phương.

Dịch vụ tài chính và bảo hiểm

Grab, thông qua Grab Financial Group, đã đưa ra chương trình cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng với bảo hiểm vi mô cho tài xế ở Singapore hồi đầu năm, dự kiến sẽ có thêm các dịch vụ mới như thanh toán trả sau, trả góp.

Công ty cũng đã hợp tác với Citigroup để ra mắt thẻ tín dụng đồng thương hiệu Citi-Grab tại Đông Nam Á, bắt đầu từ Philippines. Grab cũng hợp tác với Mastercard để phát hành thẻ trả trước cho phép mua hàng trên toàn thế giới.

Trong khi đó, Go-Jek gần đây công bố một khoản đầu tư mới và quan hệ đối tác chiến lược với Visa. GoPay được cho là sẽ hợp tác với Visa để cung cấp nhiều tùy chọn thanh toán không dùng tiền mặt cho khách hàng, doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Đông Nam Á.

Ở sân nhà, Go-Jek dẫn đầu hơn một chút so với Grab ở mảng dịch vụ tài chính và bảo hiểm. Nền tảng này gần đây tung ra PayLater, cho phép khách hàng trì hoãn thanh toán đến cuối tháng. Hay như tính năng bảo hiểm trực tuyến GoSure, hợp tác với hãng bảo hiểm địa phương PasarPolis. Tại Singapore, Go-Jek là đối tác của Gigacover để cung cấp bảo hiểm cho tài xế.

Phong cách sống và xã hội

Trong khi Grab tập trung vào các dịch vụ vận chuyển, Go- Jek chú ý nhiều hơn đến phát triển các dịch vụ phong cách sống, nhất là tại Indonesia. Dưới GoLife, một gói dịch vụ đã được đưa vào một ứng dụng con riêng gồm massage tại nhà (Go-Massage) và trị liệu làm đẹp (Go-Glam), vệ sinh tại nhà (Go-Clean), sửa chữa xe theo yêu cầu ( Go-Auto) và dịch vụ giặt ủi (Go-Laundry).

Công ty cũng giới thiệu các tính năng mới trong 3 tháng qua, bao gồm tthương mại điện tử Go-Mall hợp tác với JD.id và Blibli; đặt phòng Go-Travel phối hợp với tiket.com, nhắn tin cho người dùng với Go-Chat và gần đây nhất là nền tảng phát video độc lập GoPlay.

Trong khi đó, các dịch vụ phong cách sống của Grab gồm phát video theo yêu cầu kết hợp cùng Hooq, đặt phòng khách sạn hợp tác với Agoda và Booking hay đặt vé các sự kiện hòa nhạc và chiếu phim.

Sức khỏe

Go-Jek ở Indonesia có quan hệ đối tác với Halodoc. Đây là một ứng dụng độc lập nhưng có liên kết trong ứng dụng của Go-Jek và đội tài xế của hãng hỗ trợ vận chuyển thuốc cho Halodoc. Halodoc hiện là công ty hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ y tế Indonesia. Startup này đã huy động được 65 triệu USD vào tháng 3 và có hơn 2 triệu người dùng thường xuyên hàng tháng, hơn 20.000 bác sĩ được cấp phép.

Grab cũng đã công bố kế hoạch thâm nhập vào các dịch vụ chăm sóc sức khỏe vào năm ngoái. Hãng hợp tác với Ping An Good Doctor để thành lập một liên doanh cung cấp các dịch vụ y tế khác nhau, bao gồm tư vấn, giao thuốc và đặt lịch hẹn, khá giống với Halodoc.

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang