Để người trẻ không quên văn hóa

Để người trẻ không quên văn hóa

Một sự kết hợp khá thú vị giữa nhóm “tạo tiếng” (những người dân tộc thiểu số) và nhóm “tạo hình” (các nghệ sĩ) cho dự án “Cụng, đụng, chạm” - một chương trình đồng sáng tác do Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) khởi xướng, diễn ra trong tháng 5.2017 và triển lãm vào tháng 6.2017.


Nghệ nhân Y Thim đang hướng dẫn một em bé học đánh chiêng - nhạc cụ truyền thống của dân tộc Ê Đê. Ảnh: V.V

Biến chuyển văn hóa phải được quyết định bởi chủ thể văn hóa

“Cụng, đụng, chạm” - một cái tên nghe có vẻ “khiêu khích” và rất gợi cảm. Vì sao các bạn lại có cái tên này, và nó có thể hiện trọn vẹn ý tưởng của dự án?

- Trương Minh Giang - Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE), thành viên BTC: Cái tên “Cụng, đụng, chạm” được gợi ra khi liên tưởng tới các hình ảnh thể hiện mức độ “gặp gỡ” khác nhau của các sự vật, sự việc, các luồng tư tưởng, khái niệm. Có thể đó chỉ là chạm - một tác động nhẹ. Hoặc hình ảnh “đụng” thực ra làm tôi nghĩ tới việc các thanh tre nứa của một cái chuông gió đụng vào nhau và tạo thành thanh âm hài hòa. Còn “cụng” là hình ảnh 2 chú kiến chạm râu để truyền thông tin. Những liên tưởng này đều hướng tới việc tạo không gian, cơ hội cho những nhóm với những vốn tri thức, kiến thức, kỹ năng, và quan trọng là các góc nhìn khác nhau về khung “văn hóa” được chạm vào nhau.

Trong 1 tháng, phần việc cụ thể của các nhóm “tạo hình” và “tạo tiếng” sẽ làm là những gì?

- Nhóm tạo tiếng là “Tiên Phong vì tiếng nói của người dân tộc thiểu số” bao gồm 25 thành viên đại diện đến từ 13 cộng đồng dân tộc từ 11 tỉnh (Đắk Lắk, Đắk Nông, Hà Giang, Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Trị, Sóc Trăng, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Yên Bái). Nhóm tạo tiếng sẽ là những người chủ nhà, hỗ trợ các nhóm “tạo hình” lưu trú, tìm hiểu và cùng sáng tác với cộng đồng địa phương.

Nhóm “tạo hình” trong quá trình lưu trú sẽ cùng lắng nghe, trao đổi với những tiếng nói mình nghe được, kết hợp với khả năng thực hiện tác phẩm, các hình thức thể hiện, thể nghiệm khác nhau để đồng sáng tác với nhóm tạo tiếng. Có thể sử dụng hình ảnh radio và tivi để mô tả sự tương tác giữa hai nhóm này. Khi radio được bật lên, một người có khả năng nghe hoàn toàn có thể hiểu nội dung từ âm thanh phát ra nhưng đôi lúc nó thật thiếu sinh động. Còn nếu bật tivi và tắt tiếng, người xem chỉ nhìn thấy môi người dẫn chương trình mấp máy hoặc những cảnh quay không lời. Việc có hình và không có tiếng khiến cho người xem phải vận dụng toàn bộ khả năng đoán biết và đó là một công việc khó khăn. Vậy là khi chúng ta có cả tiếng và cả hình thì câu chuyện được thể hiện sinh động hơn và quan trọng là đến được với nhiều người nhất.

Trong chương trình đồng sáng tác này, cả hai nhóm có vai trò quan trọng tương đương. Qua đó, các khái niệm về “văn hóa” được nới rộng với cả hai nhóm và với người xem.

Văn hóa là một khái niệm mở và rất rộng, làm sao các bạn có thể tìm ra sự khác biệt văn hóa giữa các dân tộc thiểu số và giao thoa sự khác biệt đó để “Cụng, đụng, chạm” tìm tiếng nói chung?

- Chính vì thế mà “Cụng, đụng, chạm” trở nên thú vị, bởi nó giúp chúng ta tìm một phần câu trả lời cho câu hỏi này. Rất khó để iSEE có thể đại diện cho cả nhóm tạo tiếng lẫn nhóm tạo hình nói về cách thức tìm ra sự khác biệt và quá trình giao thoa diễn ra thế nào. Ở cuối chương trình, sẽ có một triển lãm nhóm và một buổi trò chuyện với các thành viên, tác giả tham gia chương trình. Khi đó quá trình này sẽ được làm rõ hơn.

Các nhóm “tạo hình” đã có một buổi nói chuyện chuyên đề với Viện iSEE và thành viên Tiên Phong về tiếp cận nhân học với văn hóa. Qua đó các nhóm có thể hiểu rằng “văn hóa” luôn là số nhiều, luôn đa dạng và biến chuyển. Nhưng điều quan trọng là phải quan sát một thực hành văn hóa ở nhiều chiều, và rằng biến chuyển văn hóa, nếu có, nên được quyết định bởi chính chủ thể văn hóa đó, thay vì quyết định của một người ngoài.

Xét đến cùng, “Cụng, đụng, chạm” có vẻ như vẫn dừng ở sự va đập bên ngoài hơn là đi sâu vào bản chất bên trong. Vậy ban tổ chức chờ đợi gì ở kết quả thực sự của dự án?

- Với lần “Cụng, đụng, chạm” này, iSEE kỳ vọng là nhóm “tạo hình” được có cơ hội học tập các tri thức bản địa, đặt câu hỏi về sự hợp lý của các thực hành văn hóa và biến chuyển văn hóa hiện tại, và các nhóm “tạo tiếng” được học hỏi thêm về các hình thức tự do thể hiện, có thể tự áp dụng chủ động cho những hoạt động của mình sau này. Khi họ khám phá và có được những bài học thú vị cũng có nghĩa là sự kiện lần này sẽ mở ra những mong muốn khám phá nhiều hơn, tìm hiểu nhiều hơn và đi sâu hơn trong tương lai.

Mất đi là tiếc!

Một số thành viên nhóm “Tiên Phong vì tiếng nói của người dân tộc thiểu số” do iSEE hỗ trợ phát triển, đã chia sẻ ý kiến khi được hỏi: Giá trị văn hóa cốt lõi của họ, cái gì bị mất đi, cái gì được khôi phục và cái gì cần biến đổi để thích ứng với thời gian?

Chị Hạng Thị Sa (người Mông, Sa Pa): “Đối với tôi, là người Mông thì phải có bộ đồ sợi lanh để mặc lúc chết, phải đội mũ người Mông, biết hát bài hát giao duyên. Thế nhưng giờ chỉ có người già mới biết thôi, lũ trẻ không đứa nào biết cả, con trai nhìn thấy bố làm cái cày, cái cuốc còn cười. Cả những bài thuốc dân gian cũng dần mất đi, tôi tiếc lắm. Chỉ có người già còn biết thôi, họ chết đi thì cũng chẳng còn ai mà dạy”.

Ông Kray Sức (người Pakô, Quảng Trị): “Cái gì trong văn hoá mất đi cũng tiếc, nhưng tiếc nhất là các tục về hôn nhân như tục ‘cưới lên cưới xuống’ hay những tri thức bản địa về trồng trọt, cách làm nhà cửa... Có những thứ phải giữ để người Pakô vẫn là người Pakô, đó là lễ hội Arieu Ping và ngôn ngữ. Lễ hội Arieu Ping thường được gọi là lễ hội cải táng và phong thần, là lễ hội quan trọng nhất. Còn về ngôn ngữ thì ngày xưa mọi người dùng nhiều ca dao tục ngữ, cách nói mang tính ẩn dụ cao, còn bây giờ thì không như thế nữa. Đừng trách các bạn trẻ quên văn hoá, mà phải nói đúng là các bạn không biết để quên”.

Theo LĐ

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang