|
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: VGP/Huy Thắng |
Đây là một nội dung được thảo luận tại hội thảo “Đổi mới doanh nghiệp Nhà nước và phát triển kinh tế tư nhân” do Ban Kinh tế Trung ương và Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức chiều 30/5.
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, khu vực kinh tế tư nhân không ngừng phát triển và ngày càng đóng góp lớn hơn trong cơ cấu nền kinh tế, tăng thu ngân sách Nhà nước, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Tỷ trọng trong GDP của khu vực kinh tế tư nhân, bao gồm cả kinh tế cá thể duy trì ổn định khoảng 39 - 40%. Đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, số lượng DN của tư nhân tăng nhanh với nhiều loại hình đa dạng; phong trào khởi nghiệp được đẩy mạnh.
Tuy nhiên, theo TS. Phạm Minh Điển, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp Ban Kinh tế trung ương, tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân có xu hướng giảm trong những năm gần đây; năng lực nội tại của kinh tế tư nhân nhìn chung còn thấp, chủ yếu vẫn là kinh tế hộ, cá thể, trình độ công nghệ thấp và chậm đổi mới; trình độ quản trị, năng lực tài chính, năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh còn yếu.
Khả năng liên kết với các thành phần kinh tế khác và tham gia chuỗi giá trị sản xuất trong nước, khu vực và toàn cầu còn nhiều hạn chế. Tình trạng gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh, gây ô nhiễm môi trường, không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm… còn diễn biến phức tạp.
Nhận thức tầm quan trọng của việc đòi hỏi sự đổi mới bứt phá hơn, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thống nhất và nhất trí sẽ ban hành 3 Nghị quyết quan trọng về kinh tế, trong đó có Nghị quyết về “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phân tích có nhiều nguyên nhân và rào cản khiến hiệu quả hoạt động của DN tư nhân chưa cao, nhất là trong việc tiếp cận tín dụng, đất đai, chi phí kinh doanh cao…
PGS.TS.Nguyễn Hồng Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội thì cho rằng rào cản lớn nhất là tư duy và định kiến về khi so sánh tư nhân và Nhà nước. Điều này có thể tạo ra sự bất bình đẳng. Vì vậy, cần xây dựng được môi trường và hệ sinh thái khuyến khích khởi nghiệp và phát triển DN.
Ông Sơn cho rằng cần có từng nhóm giải pháp cho các khu vực khác nhau của khu vực kinh tế tư nhân như, nhóm doanh nghiệp lớn, nhóm nhỏ và vừa, nhóm khởi nghiệp, doanh nghiệp phi chính thức, doanh nghiệp nông nghiệp…
Ví dụ, với các nhóm DN lớn, (cỡ như FPT), cần xây dựng lộ trình phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán quốc tế, chiến lược hướng vào xuất khẩu, thay vì tập trung vào vài ngành được bảo hộ, hướng tới mua lại một số thương hiệu lớn nước ngoài.
Với các DN vừa và nhỏ, cần có định hướng xây dựng các cụm liên kết như liên kết ngành điện tử hay chế biến thực phẩm, công nghiệp phụ trợ. Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện các cơ chế hỗ trợ với nhóm này, chuẩn hoá các tiêu chuẩn kế toán, quản trị, giảm thiểu rủi ro các khoản vay…
Còn với nhóm khởi nghiệp thì cần cải thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, gỡ những rào cản ban đầu về vốn, nhân lực; sớm hoàn thiện cơ chế chính sách tạo thuận lợi trong thành lập, các quỹ đầu tư mạo hiểm, thực hiện tốt các dịch vụ tư vấn cho DN khởi nghiệp…
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển đó đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá DNNN.
Có cùng quan điểm, nhiều chuyên gia cho rằng, chỉ có đổi mới DNNN mới tạo được không gian cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển cũng như cần có những hành động thực sự để DN nhỏ phải liên kết được với nhau…
Theo VGP