Nhiều giải pháp thúc đẩy xuất khẩu được các chuyên gia đưa ra tại Diễn đàn. Ảnh: T.U
Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đánh giá tại “Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu” được tổ chức sáng nay, 20/4.
Theo ông Sơn, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào quá trình toàn cầu hóa. Chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, nước ta đã tham gia rất nhiều hiệp định thương mại. Trong bối cảnh đó, việc mở rộng quan hệ giao thương, tìm hiểu thị trường để xuất nhập khẩu nguyên liệu, sản phẩm có vai trò vô cùng quan trọng đối với DN.
Do đó, các hoạt động xúc tiến thương mại, xuất khẩu của Bộ Công thương luôn được sự ủng hộ và tham gia tích cực của cộng đồng DN. Diễn đàn năm nay với chủ đề "Nghiên cứu phát triển sản phẩm xuất khẩu, giải pháp nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam" được đón đợi và kỳ vọng là sân chơi hấp dẫn, hữu hiệu không chỉ đối với DN trong nước mà còn là cơ hội để DN nước ngoài thâm nhập vào thị trường Việt Nam.
Năm 2016, xuất khẩu nước ta đã đạt con số đáng ghi nhận với kim ngạch đạt 176,6 tỷ USD, tăng 9% so với năm trước đó. Trong đó, một số ngành mũi nhọn đã thể hiện được vai trò và vị trí của mình trong bức tranh xuất khẩu như ngành dệt may với kim ngạch xuất khẩu đạt 28,3 tỷ USD, ngành da giày đạt 16,2 tỷ USD...
Tại hội thảo, câu chuyện về xúc tiến thương mại cho nông sản Việt thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia và DN. Theo các chuyên gia, trong thời gian qua, nước ta luôn xác định nông nghiệp giữ vai trò nền tảng của nền kinh tế và ưu tiên đầu tư nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu, chiếm thị phần lớn tại thị trường quốc tế. Đặc biệt, vài năm trở lại đây, xuất khẩu hàng hóa nông, lâm, thủy sản liên tục tăng. Riêng năm 2016, xuất khẩu hàng hóa nông, lâm, thủy sản đạt con số 32,1 tỷ USD.
Tuy nhiên, sự phát triển đó vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, xuất khẩu nhiều nhưng giá trị gia tăng chưa cao, chủ yếu vẫn là xuất thô...Đặc biệt, theo ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, nông sản Việt xuất khẩu vướng phải nhiều rào cản về an toàn thực phẩm, hàng rào kỹ thuật tại các thị trường trọng điểm như Mỹ, EU.
Do đó, bàn về giải pháp thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng này, các chuyên gia cho rằng thời gian tới cần rà soát lại các chính sách về đất đai, tín dụng, khoa học công nghệ... Theo đó, nước ta cần hỗ trợ người dân, DN về nguồn vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp cho nông dân. Bên cạnh đó, chú trọng quy hoạch vùng sản xuất và xây dựng các kho bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản. Ngoài ra, cần hỗ trợ nông dân, DN trong việc thực hiện quy định về an toàn thực phẩm, hàng rào thuế quan...
Đặc biệt, một trong những yếu tố quan trọng không thể thiếu là cần tăng cường hơn nữa hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu quốc gia tại thị trường quốc tế. Chỉ có như vậy, sản phẩm Việt mới có chỗ đứng vững chắc và ngày càng mở rộng thị phần trên bản đồ thị trường thế giới./.
Theo TBTC