Chiến lược xanh: Vũ khí mềm phát triển bền vững

Chiến lược xanh: Vũ khí mềm phát triển bền vững

Ngày 19/4 tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức Hội thảo “Chiến lược thương hiệu gắn với phát triển xanh”.


Thế giới đã đi rất xa

Phát biểu tại Hội thảo, ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, Hội thảo nằm trong khuôn khổ Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam -  Chương trình xúc tiến thương mại dài hạn của Chính phủ, nhằm quảng bá hình ảnh sản phẩm Việt Nam là quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ đa dạng phong phú với chất lượng cao; tăng cường sự nhận biết của các nhà phân phối và người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với các doanh nghiệp và sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam gắn với các giá trị: Chất lượng - đổi mới, sáng tạo - năng lực tiên phong.

DSCF2055.JPG

Quang cảnh hội thảo

Nhiều ý kiến đưa ra tại Hội thảo đều có chung nhận định rằng, xu hướng chung của thế giới là xu hướng phát triển xanh, sạch, và chỉ có duy trì được hai yếu tố này, cộng đồng doanh nghiệp (DN) mới có thể phát triển bền vững. 

Theo ông Vũ Xuân Trường- Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (Bộ Khoa học và Công nghệ), xây dựng và phát triển thương hiệu xanh đã có từ lâu trên thế giới, nhiều tập đoàn cũng như công ty đa quốc gia nổi tiếng trên thế giới thực hiện chủ trương và định hướng từ hàng chục năm qua.

“Rõ ràng các DN trên thế giới đã nắm bắt xu hướng này từ lâu. Và họ đã tìm cách xây dựng thương hiệu của mình gắn với mục tiêu sản xuất xanh để khi nhắc đến bất kỳ tên tuổi nào, người ta cũng nghĩ ngay đó là một DN “sạch và an tâm”- theo ông Trường.

Xu hướng tất yếu

Điểm yếu của DN Việt Nam là chưa xây dựng được thương hiệu cho mình, chính vì vậy, mặt hàng cà phê, gạo hay nhiều sản phẩm thế mạnh khác của Việt Nam khi xuất khẩu ra thị trường thế giới chỉ “mạnh về lượng mà yếu về chất”. Bởi vậy, các ý kiến tại hội thảo cho rằng, DN Việt phải hướng đến phát triển xanh, sản xuất sạch – đó là điểm cốt yếu để nâng cao chất lượng và xây dựng được thương hiệu khi vươn ra thị trường thế giới.

Tuy nhiên, nhiều bất cập cho thấy, các DN Việt vẫn loay hoay trong việc xây dựng thương hiệu cho chính mình. Điểm yếu nhất của các DN Việt hiện nay, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa chính là họ đang bị mâu thuẫn giữa mục tiêu lợi nhuận và mục tiêu tăng trưởng bền vững, trong đó có mục tiêu tăng trưởng xanh. Tất nhiên, để giải quyết được mâu thuẫn này, cần phải có thời gian chứ không phải là câu chuyện một sớm một chiều.

Nhận định về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng, nếu không “ngộ” ra sớm thì đất nước sẽ càng ngày càng xấu đi, độ ô nhiễm sẽ càng ngày càng nặng hơn. Bài học rất rõ ở ngay nước láng giềng Trung Quốc, khi đã có một thời gian dài quốc gia này chỉ tập trung vào phát triển nâu, thậm chí là đỏ, hoàn toàn không có xanh. Và kết cục là, tất cả các thành phố ở Trung Quốc hiện nay đều phải trả giá khi bị ô nhiễm nặng nề.

Bà Từ Tuyết Nhung- Hiệp hội Hữu cơ Việt Nam cho rằng, không chỉ là sự nỗ lực của cộng đồng DN trong việc xây dựng thương hiệu và hướng tới nền sản xuất xanh, bản thân người tiêu dùng cũng cần phải thay đổi thói quen tiêu dùng của mình.

“Tất nhiên, để thay đổi được hành vi, thói quen tiêu dùng của phần lớn người dân Việt Nam, một phần cũng phụ thuộc rất nhiều vào truyền thông cũng như những chiến lược sản xuất, quảng bá của DN”- bà Nhung nêu quan điểm.

Theo Đại đoàn kết

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang