Thương hiệu gắn với phát triển xanh: Mục tiêu và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Thương hiệu gắn với phát triển xanh: Mục tiêu và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn để mua các sản phẩm có thương hiệu và được sản xuất bằng nguyên thân thiện với môi trường.


Đây chính là vũ khí mềm để DN xây dựng thương hiệu. Đó là thông tin đưa ra tại Hội thảo “Chiến lược thương hiệu gắn với phát triển xanh” do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức sáng 19/4.

Kết quả nghiên cứu của Công ty Nielsen Việt Nam cho thấy, hiện nay, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sản phẩm tốt cho sức khỏe và ít tác động đến môi trường. Chính vì vậy, những sản phẩm có thương hiệu và cam kết xanh, sạch, thân thiện với môi trường có mức tăng trưởng hơn 4%/năm so với toàn thị trường. Cụ thể, đối với ngành hàng thực phẩm và nước giải khát, mức tăng trưởng từ 2,5 - 11,4%/năm. 

Bà Đặng Thúy Hà - Giám đốc bộ phận Nghiên cứu hành vi người tiêu dùng của Công ty Nielsen Việt Nam cho biết: Chất lượng xanh là nhân tố chiến lược tạo nên giá trị mà một thương hiệu cần có để chinh phục người tiêu dùng. Tuy nhiên, để làm được điều này, đòi hỏi các DN luôn đặt vấn đề sức khỏe là nhiệm vụ trọng tâm trong việc phát triển sản phẩm. Đi cùng với nó là những cam kết về trách nhiệm xã hội và môi trường. Đó là một trong những cách xây dựng niềm tin đối với người tiêu dùng vào những mặt hàng mà DN cung ứng ra thị trường một cách khá hiệu quả. 

Theo ông Vũ Xuân Trường - Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và cạnh tranh, để xây dựng chiến lược thương hiệu gắn với phát triển xanh, DN cần xây dựng được hình ảnh thương hiệu, sử dụng công nghệ giảm thiểu năng lượng và sử dụng năng lượng hiệu quả, đồng thời thực hiện trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường…


Về vấn đề thực hiện “xanh hóa” nền kinh tế, ông Đỗ Kim Lang - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh chương trình cấp nhãn sinh thái của Việt Nam (Nhãn xanh Việt Nam). Bên cạnh đó, nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về chương trình Nhãn xanh Việt Nam, Bộ Công Thương sẽ xây dựng tiêu chí cho các sản phẩm xanh ưu tiên tiêu thụ. Đặc biệt, Bộ Công Thương còn thúc đẩy việc công nhận lẫn nhau giữa Nhãn xanh Việt Nam với chương trình nhãn sinh thái của các nước khác, qua đó góp phần tạo thuận lợi cho DN tiếp cận, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Theo KTĐT

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang