Theo ông Vũ Xuân Trường, Viện nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và cạnh tranh (Bộ Khoa học và Công nghệ), mâu thuẫn khiến doanh nghiệp ngại làm sản phẩm xanh, bền vững đó là mục tiêu lợi nhuận. Bên cạnh đó, việc đầu tư, chi phí ban đầu tác động rất nhiều đến câu chuyện tiếp cận: doanh nghiệp sẽ tạo ra sản phẩm xanh, sạch, bền vững hay có xu hướng “hạ dần tiêu chí” để giảm chi phí chia sẻ xung quanh câu chuyện này.
- Những doanh nghiệp chọn hướng phát triển xanh để xây dựng thương hiệu cho mình đang gặp phải những vấn đề gì?
Xây dựng và phát triển thương hiệu xanh đã có từ lâu trên thế giới, nhiều tập đoàn cũng như công ty đa quốc gia nổi tiếng trên thế giới thực hiện chủ trương và định hướng từ hàng chục năm qua. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì lại rất mới mẻ và cũng chỉ có một vài doanh nghiệp có tầm nhìn dài hạn mới có định hướng phát triển về thương hiệu xanh. Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi nhận ra điểm yếu nhất của các doanh nghiệp, đặc biệt là các DNNVV đang bị mâu thuẫn giữa hai mục tiêu, đó là mục tiêu lợi nhuận và mục tiêu tăng trưởng bền vững, trong đó có mục tiêu tăng trưởng xanh.
Bên cạnh đó còn có khó khăn liên quan đến nhận thức của chủ các doanh nghiệp. Khó khăn mà các DNNVV gặp phải khi thực hiện chương trình thương hiệu xanh là vốn, nhân lực và công nghệ.
Đặc biệt về công nghệ, chúng ta có thể nhìn thấy và cảm nhận nhưng việc áp dụng vào môi trường kinh doanh ở Việt Nam thì vẫn còn nhiều hạn chế. Đơn cử, doanh nghiệp trong nước có thể tiếp nhận công nghệ xanh từ nước ngoài nhưng nguồn nhân lực, mặt bằng trình độ lại chưa kịp đáp ứng được.
Chẳng hạn, công nghệ khí thải ô tô của Châu Âu đã chuyển sang dùng năng lượng được chiết xuất trong thiên nhiên và điện, nhưng ở Việt Nam lại chưa thể tiếp nhận ngay vì còn dính dáng đến nhiều yếu tố như trình độ công nghệ, nhận thức người sử dụng, chính sách hỗ trợ áp dụng công nghệ mới…
- Ý nghĩa của việc phát triển thương hiệu xanh đối với doanh nghiệp là gì, thưa ông?
Mục tiêu phát triển bền vững đã được Liên Hiệp Quốc triển khai từ năm 1987 cho toàn thế giới, trong đó Việt Nam cũng tham gia vào quá trình phát triển bền vững này, đã ký rất nhiều các hiêp ước cũng như cam kết ở tầm khu vực cũng như quốc tế. Với các doanh nghiệp Việt Nam, mục tiêu tăng trưởng xanh là khách quan, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và có lợi nhuận trong dài hạn.
Vậy sẽ tạo ra giá trị thương mại như thế nào trong thời điểm hiện tại?
Qua các nghiên cứu từ quốc tế đến trong nước đều đưa ra nhận định, những doanh nghiệp tham gia vào quá trình thực hiện tăng trưởng xanh và bền vững bước đầu đã cho kêt quả khá khả quan. Ví dụ, mang đến sự hài lòng cho người tiêu dùng nhiều hơn, sự tin tưởng cho công chúng nhiều hơn. Điều này làm cho uy tín doanh nghiệp được nâng lên, làm cho người tiêu dùng kỳ vọng nhiều hơn vào sản phẩm, xu hướng mua và tiêu dùng dịch vụ sản phẩm xanh ngày càng nhiều hơn. Từ đây sẽ đem lại doanh số và lợi nhuận cho doanh nghiệp trong tương lai. Tuy nhiên, để làm được điều này thì bản thân doanh nghiệp phải có định hướng dài hơi chứ không thể ngắn hạn.
- Cho đến nay Chính phủ đã có những chương trình gì nhằm giúp doanh nghiệp phát triển thương hiệu xanh?
Đã có rất nhiều văn bản cũng như chủ trương chính sách của Chính phủ được ban hành để chủ động theo kịp xu hướng của thế giới. Điều đầu tiên dễ nhận thấy nhất là ý thức của những ông chủ doanh nghiệp đã thay đổi về thương hiệu xanh. Chúng ta có thể hỏi bất kỳ một chủ doanh nghiệp nào về vai trò của thương hiệu, thì phần lớn họ sẽ trả lời thương hiệu là rất quan trọng đối với sự sống còn của doanh nghiệp.
Thứ hai, việc triển khai đồng bộ từ các cấp, các ngành cho đến doanh nghiệp, đặc biệt gia tăng nhận thức của người tiêu dùng đã giúp cho doanh nghiệp tự tin hơn trong việc định hướng tầm nhìn trong xây dựng và phát triển thương hiệu. Sự tự tin này sẽ động viên doanh nghiệp đưa ra quyết định đầu tư tiền để đổi mới công nghệ, sẵn sàng áp dụng những ý tưởng mang tính đột phá.
- Liệu chất lượng xanh đã tạo ra giá trị thương mại tại Việt Nam hay chưa? Xu hướng người tiêu dùng hiện nay ra sao? Các doanh nghiệp phát triển xanh cần phải lưu ý những điều gì?
Với câu hỏi liệu chất lượng xanh đã tạo ra giá trị thương mại tại Việt Nam hay chưa là một câu hỏi khó. Dưới góc độ người tiêu dùng, họ mới chủ yếu dừng lại ở sự cảm nhận. Tại sao phần lớn người tiêu dùng lại có xu hướng thích dùng sản phẩm “xách tay”? Đơn giản vì nó tạo ra niềm tin từ nguồn gốc xuất xứ, chất liệu sản phẩm.
Liệu rằng đến khi nào và mất bao nhiêu thời gian nữa, Việt Nam sẽ cho ra được sản phẩm có nhãn hiệu xanh mà người tiêu dùng cứ thấy là mua không e ngại, giống như ở Úc, người ta có một đặc điểm nhận diện các sản phẩm sạch mà cứ có logo đó là người tiêu dùng mua một cách yên tâm nhất. Tôi thừa nhận, tại Việt Nam chưa làm được như vậy.
Thực tế, để phát triển sản phẩm xanh, kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, đương nhiên doanh nghiệp sẽ phải bỏ ra nhiều tiền hơn, chi phí cao hơn, thậm chí người tiêu dùng cũng sẽ phải bỏ ra nhiều tiền hơn để sử dụng sản phẩm như vậy. Ở đây sẽ xuất hiện mâu thuẫn giữa mong muốn người tiêu dùng được cung cấp sản phẩm tốt với chi phí phải bỏ ra sẽ đắt hơnn. Điều này bắt buộc người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp sẽ phải lựa chọn.
Người tiêu dùng hiện nay rất muốn được sử dụng sản phẩm mang thương hiệu xanh, nhưng quan trọng họ sẽ được lợi gì? Không phải người tiêu dùng nào cũng hiểu được nếu dùng sản phẩm xanh thì sẽ được lợi trong khi phải bỏ ra nhiều tiền hơn. Liệu rằng lợi ích đó có bù đắp được chi phí đã bỏ ra nhiều hơn hay không?
Thứ nữa là lòng tin của người tiêu dùng với sản phẩm mang thương hiệu xanh ở chỗ nào? Đây là những vấn đề mà doanh nghiệp đang hướng đến xây dựng thương hiệu xanh rất cần lưu tâm và phải có chiến lược rõ ràng.
- Xin cảm ơn ông!
Theo DĐDN
Nội dung đang cập nhật...
Giấy phép số: 218/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp
Địa chỉ: Tầng 3, nhà D, Khách sạn La Thành, số 226 Vạn Phúc, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: 0877459777 - Email: nhat.cao@bcsi.edu.vn
Website: www.bcsi.edu.vn
Copyright © 2016 by BCSI