Nói về nguy cơ này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết, tỷ lệ tiêu dùng năng lượng để tăng trưởng GDP hiện nay của Việt Nam đang thuộc hàng cao nhất so với các nước trong khu vực và thế giới.
Nguyên nhân là do Việt Nam có nhiều người sử dụng năng lượng với hàm lượng cao và dùng công nghệ cũ để sản xuất. Nếu không thay đổi, chúng ta sẽ mất nhiều thị trường xuất khẩu.
Sản phẩm sạch bán chạy
Tại hội thảo “Chiến lược thương hiệu gắn với phát triển xanh” vừa diễn ra, trước câu hỏi người tiêu dùng đang có những mối quan tâm nào về sản phẩm, bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu hành vi người tiêu dùng – đại diện Nielsen Việt Nam khu vực phía Bắc, trả lời, sức khỏe đang là mối quan tâm hàng đầu của người dùng hiện nay.
Bất kể người giàu hay người nghèo đều cho rằng sức khỏe là quan trọng nhất. Cụ thể, theo khảo sát của Nielsen, 4 trong 5 người Việt sẵn sàng chi trả cao hơn để mua các sản phẩm có cam kết về những tác động tích cực đến môi trường và xã hội.
Cùng với đó, người tiêu dùng đang tìm kiếm sự minh bạch khi quyết định mua sản phẩm, 80% lo ngại tác hại lâu dài của các nguyên liệu nhân tạo, 79% sẵn sàng trả tiền để mua những sản phẩm không chứa nguyên liệu mà họ không mong muốn.
Như vậy, “Chúng ta đã nhìn thấy sự quan ngại của người tiêu dùng. Đây là cơ hội để DN phát triển xanh – sạch hơn. Thực tế cho thấy, trung bình các nhãn hàng không có cam kết phát triển xanh chỉ tăng trưởng dưới 1%/năm, trong khi những nhãn hàng có cam kết bảo vệ môi trường tăng trưởng hơn 4%/năm”, bà Hà cho biết.
Đồng quan điểm này, ông Vũ Xuân Trường – chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh – khẳng định rằng chất lượng xanh chính là vũ khí mềm để thương hiệu chiến thắng, nhất là khi Việt Nam là nước đi sau. Không có cách nào khác, muốn bán được sản phẩm, dịch vụ của mình, DN phải sản xuất sạch. Nếu chúng ta đáp ứng được, người tiêu dùng sẽ sử dụng lâu dài, DN sẽ có lợi nhuận khổng lồ.
Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, ông Trường cho biết, mặc dù các DN Việt Nam cập nhật nhanh xu hướng này nhưng lại chưa biết cách xây dựng thương hiệu. “Nói về sản xuất sạch, việc đầu tiên các DN làm là logo nhận diện thương hiệu chuyển ngay sang màu xanh, trong khi chiến lược chưa biết có hay không”, ông Trường chia sẻ.
Trong khi đó, người tiêu dùng rất muốn sử dụng sản phẩm xanh – sạch song không phải ai cũng sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để mua những sản phẩm xanh – sạch mà mù mờ không biết có sạch thật không.
Trên thực tế, nhiều người tiêu dùng ở các khu vực trung tâm, thành phố lớn vài năm trở lại đây đã chuyển sang dùng đồ xách tay từ nước ngoài thay vì dùng hàng Việt Nam được giới thiệu là hàng sạch và an toàn.
Giầy thể thao phải bảo đảm tiêu chí xanh – sạch vào năm 2018
Doanh nghiệp cần cơ chế
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, để người Việt chịu chi tiền mua các sản phẩm sạch trong nước, vai trò của Nhà nước rất quan trọng bởi khâu quản lý, giám sát nếu thực hiện tốt sẽ quyết định sự minh bạch của thị trường. Nếu khâu này “lỏng lẻo”, mãi mãi chúng ta không phát triển được thương hiệu.
“Tôi là một người dân, tôi sẵn sàng trả giá cao hơn gấp nhiều lần cho một sản phẩm đạt tiêu chuẩn xanh. Nói như vậy để khẳng định người dân không ngại chi trả cao cho một sản phẩm sạch đúng nghĩa”, một chuyên gia bình luận.
Trong quá trình nghiên cứu và tư vấn của mình, ông Trường còn nhận thấy rằng “một trong những khó khăn lớn nhất là mâu thuẫn trong mục tiêu đạt lợi nhuận và việc tạo ra sản phẩm xanh – sạch. Vậy DN có dũng cảm để tăng trưởng xanh – sạch, có dám chịu chấp nhận ba năm đầu thua lỗ không?”, ông Trường đặt câu hỏi.
Theo ông Trường, mâu thuẫn này càng lớn đối với các DN khởi nghiệp, bởi ở các nước phát triển, DN nào sản xuất xanh – sạch sẽ nhận được hỗ trợ từ quỹ đầu tư rủi ro nhưng tại Việt Nam hiện nay, đa phần quỹ này đều của nước ngoài. Việt Nam cũng mới thành lập quỹ đầu tư rủi ro song quỹ chỉ dành cho DN lớn, không dành cho DN mới gia nhập thị trường.
Ở góc độ DN, ông Nguyễn Cảnh Hồng – Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Eurowindow – chia sẻ, thực tiễn trong thời gian qua, việc đầu tư cho sản phẩm xanh đòi hỏi công nghệ đảm bảo chất lượng sản phẩm, vật liệu thân thiện môi trường, không độc hại cho người dùng chắc chắn sẽ dẫn tới chi phí cao hơn, khiến giá thành cao hơn và khó cạnh tranh với các DN khác.
Cũng theo ông Hồng, dù Nhà nước đã đặt vấn đề hỗ trợ các DN nhưng từ chính sách tới thực tiễn còn khoảng cách khá xa. Cụ thể, các chính sách ban hành đầu tư hỗ trợ chưa nhiều để DN hướng tới sản phẩm xanh, còn chưa phân định rạch ròi giữa DN sản xuất xanh và DN không sản xuất xanh khiến cho những DN làm ăn chân chính, sản xuất sạch không thu lợi bằng các DN không quan tâm tới vấn đề này.
Trong khi đó, các nước trên thế giới như ở Singapore, những công ty đạt tiêu chuẩn xanh sẽ được bán sản phẩm với giá khác, có sự hỗ trợ phân biệt rõ ràng để người tiêu dùng biết đến, đồng thời được hỗ trợ rất nhiều để hướng tới sản phẩm xanh.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị quyết quan trọng về chiến lược phát triển xanh của Việt Nam, trong đó có ghi rõ nhiệm vụ của tất cả ngành, lĩnh vực, địa phương, DN với mục tiêu giảm khí thải, ô nhiễm, tiêu thụ năng lựơng. Song cho đến nay, mục tiêu đề ra chưa đạt được và chưa được thực hiện nghiêm túc.
Trong tương lai không xa, ông Doanh khẳng định, tất cả các nước trên thế giới đều đòi hỏi sản phẩm sạch, không chấp nhận những sản phẩm tiêu dùng quá nhiều năng lượng, tạo ra nhiều khí thải.
Năm 2018, một số hãng trên thế giới sẽ yêu cầu quần áo, giầy thể thao, cà phê… sản xuất tại Việt Nam phải ghi rõ dùng bao nhiêu nước, tạo bao nhiêu khí thải, dùng bao nhiêu năng lượng, nếu vượt quá, họ sẽ không nhập. “Điều này sẽ đe dọa nghiêm trọng tới hoạt động xuất khẩu”, ông Doanh cảnh báo.
Theo TBKD