Xây dựng niềm tin
Vụ bê bối của Công ty TNHH Khải Ðức (sở hữu thương hiệu Khaisilk) bị phát hiện sử dụng hàng không rõ nguồn gốc nhưng gắn mác "Made in Vietnam" đã gây khủng hoảng niềm tin đối với người tiêu dùng. Mới đây, sau quá trình điều tra, Bộ Công thương đã chuyển hồ sơ, vật chứng của vụ việc cho Cơ quan cảnh sát điều tra xử lý hình sự theo quy định pháp luật, đồng thời tiếp tục làm rõ và xử lý đối với các sai phạm của công ty này theo thẩm quyền.
Người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm gạo Việt Nam tại siêu thị Hapro.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong giai đoạn 2006 - 2009, Khải Ðức nhập khẩu các sản phẩm thời trang từ Trung Quốc và Thái-lan; giai đoạn từ 2009 đến giữa tháng 10-2017, công ty không còn thực hiện hoạt động nhập khẩu các mặt hàng thời trang. Từ năm 2012 đến nay, công ty cũng không có hoạt động sản xuất, gia công hoặc đặt gia công sản phẩm thời trang của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước mà chủ yếu mua thành phẩm từ những cửa hàng, hộ kinh doanh, doanh nghiệp khác trên thị trường về gắn một trong ba nhãn hàng hóa "Khaisilk®", "Khaisilk cách điệu" và "Khaisilk Made in Vietnam" để kinh doanh trên thị trường. Công ty đã có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật hình sự đối với tội buôn bán hàng giả.
Kết quả giám định chất lượng sản phẩm dệt may đối với một số mẫu sản phẩm của công ty cho thấy, một số sản phẩm của Khaisilk không có thành phần lụa, dù công bố trên nhãn hàng hóa là "100% silk". Ngoài ra, Khải Ðức còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quản lý thuế và hóa đơn, một số hóa đơn không hợp lệ, kê khai không đúng tên hàng hóa; một số lượng lớn sản phẩm chênh lệch giữa số liệu chứng từ kế toán và số liệu kiểm tra thực tế tại một chi nhánh công ty.
Ðoàn kiểm tra cũng kết luận, công ty có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về ghi nhãn hàng hóa, một số sản phẩm không gắn nhãn hàng hóa, hoặc gắn nhãn nhưng ghi không đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định; có dấu hiệu che giấu hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, bán trà trộn các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ cùng với các sản phẩm có nguồn gốc,...
Khaisilk không chỉ đánh mất niềm tin của NTD vào thương hiệu của mình, mà lớn hơn điều này còn ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín các thương hiệu và hàng hóa khác của Việt Nam trong mắt khách du lịch quốc tế. Qua sự việc này có thể thấy, để xây dựng một thương hiệu mạnh, giành được sự tin yêu của NTD không thể trong một sớm, một chiều. Ngoài việc nắm bắt nhu cầu của thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, các DN cần có sự quản trị tốt, sản phẩm phải mang tính cạnh tranh cao, nhất là cần bảo đảm tính minh bạch chất lượng, nguồn gốc sản phẩm.
Tận dụng cơ hội phát triển
Theo Phó Cục trưởng Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) Ðỗ Kim Lang, Việt Nam phải học hỏi Hàn Quốc rất nhiều trong việc phát triển thương hiệu. Bởi khởi điểm của Việt Nam và Hàn Quốc như nhau khi mới bắt đầu hội nhập. Tuy nhiên, việc đưa sản phẩm, xây dựng hình ảnh DN của Hàn Quốc ra thế giới rất hiệu quả. Còn với nước ta, hiện có 88 DN được công nhận đạt tiêu chí có sản phẩm mang thương hiệu quốc gia. Tuy nhiên, những DN này phần lớn là nhỏ và vừa, hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm gia công cho nên giá trị gia tăng hay nhãn hiệu, thương hiệu riêng của sản phẩm khi xuất khẩu còn yếu thế. Nhiều sản phẩm của Việt Nam có chất lượng tốt, giá thành hợp lý nhưng do chưa có thương hiệu vì vậy chưa được nhiều NTD biết đến.
Ðể xây dựng thương hiệu mạnh, DN cần nghiên cứu tâm lý của NTD, tận dụng mọi cơ hội để phát triển thương hiệu bằng việc sáng tạo được nét đặc trưng trong sản phẩm của mình, khiến NTD in sâu vào tiềm thức mỗi khi nhắc đến hoặc sử dụng sản phẩm. NTD sẽ có niềm tin, yên tâm tự hào khi sử dụng sản phẩm, trung thành với sản phẩm.
Chia sẻ với chúng tôi, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần bánh kẹo Hải Hà (HAIHACO) Trần Hồng Thanh cho biết, để giữ vững niềm tin thương hiệu đối với NTD, HAIHACO luôn kiên định mục tiêu coi trọng đầu tư chất lượng sản phẩm, giữ chữ tín với khách hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh, thể hiện trong những sản phẩm bánh kẹo mang hương vị đặc trưng của Việt Nam, đồng thời luôn đổi mới công nghệ, áp dụng hệ thống phân tích mối nguy và các điểm kiểm soát tới hạn để bảo đảm an toàn thực phẩm.
Ðối với mỗi DN, thương hiệu được coi là tài sản vô hình và có giá trị rất lớn. Ðây là sự tổng hợp của rất nhiều yếu tố, xây dựng bền bỉ từ những thành quả của DN trong suốt quá trình hoạt động của mình. Sự nổi tiếng của thương hiệu là bảo đảm cho lợi nhuận và tiềm năng của DN trong tương lai. Nhưng để một thương hiệu thành công, yếu tố then chốt vẫn nằm ở niềm tin của NTD và thị trường.
Với sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, nhiều ý kiến tích cực cho rằng, chính những nguy cơ từ các thương hiệu ngoại đang khiến cho các DN Việt Nam bừng tỉnh, thay đổi, thích nghi và chuyển động theo luật chơi quốc tế. Nhiều tín hiệu cho thấy, một số DN lớn trong nước đã không chấp nhận ngồi yên mà đang tích cực chuẩn bị nhân lực, vật lực cùng những chiến lược dài hơi để sẵn sàng cho một cuộc chơi mới, cạnh tranh lành mạnh, sòng phẳng với các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo ND