Kinh tế năng lượng: Cần coi trọng yếu tố thị trường

Kinh tế năng lượng: Cần coi trọng yếu tố thị trường

Ngày 14/12, tại Hà Nội, Viện Kinh tế Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tổ chức hội thảo “Kinh tế năng lượng và triển vọng”.


nguyen dinh thien

PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Theo ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, chiến lược phát triển năng lượng của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng nhu cầu năng lượng sơ cấp năm 2015 khoảng 31,8%; khoảng 32,3% vào năm 2030 và tăng lên, đạt khoảng 44% vào năm 2050. Năng lượng nhập khẩu năm 2015 khoảng 2,7 triệu tấn dầu quy đổi (TOE), chiếm 3,5% tổng nhu cầu năng lượng sơ cấp; năm 2030, nhập khẩu 47 triệu TOE, chiếm 24,3%; năm 2050 nhập khẩu 22,1 triệu TOE, chiếm 7,1%. Trường hợp không phát triển nhanh nguồn năng lượng tái tạo (không kể nguồn thủy điện), năng lượng nhập khẩu sẽ tăng lên rất cao: Năm 2030 nhập khẩu 78,7 triệu TOE, chiếm 41,1% và năm 2050 nhập khẩu 129 triệu TOE, chiếm 41,2%.

Ông Nguyễn Đình Hiệp, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam đánh giá, hiện trạng ngành năng lượng tái tạo có tốc độ phát triển rất nhanh với chi phí ngày càng cạnh tranh so với các nguồn năng lượng truyền thống. Lý do bởi nguồn thủy điện đã được khai thác gần như tối đa. Chiến lược phát triển nguồn năng lượng điện hạt nhân bị dừng lại. Trong khi đó, Việt Nam hiện đang phải nhập khẩu điện và năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện. Do đó, việc phát triển được thị trường năng lượng tái tạo sẽ giúp Việt Nam đa dạng hóa và tự chủ nguồn cung điện cũng như bảo vệ môi trường tốt hơn.

Còn theo TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương, bức tranh và tính lan tỏa của vấn đề kinh tế năng lượng là rất lớn nếu không có một chiến lược phát triển bài bản, tính toán kỹ lưỡng chúng ta sẽ phải trả những bài học rất đắt: như câu chuyện chúng ta buộc phải chấm dứt việc phát triển nguồn năng lượng điện hạt nhân, hay việc Chính phủ rất vất vả trong điều chỉnh giá điện. TS Võ Trí Thành cũng đặt vấn đề trong nền kinh tế thị trường liệu Chính phủ có nên có chính sách trợ giá, bao tiêu sản phẩm cho các sản phẩm năng lượng nữa hay không, hay để cho thị trường tự điều chỉnh…?

Kết luận hội thảo, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, chúng ta mới chỉ bàn về nguồn cung năng lượng, còn chuyện tiêu dùng năng lượng chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến việc phải vật lộn với giá cả, hiệu quả sử dụng năng lượng không cao. Thời gian tới, nên kết hợp cả yếu tố trên để có một hướng đi đúng đắn cho ngành kinh tế năng lượng.

Theo TBTC

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang