Người tiêu dùng kết nối sẽ chiếm 40% dân số Việt Nam năm 2025

Người tiêu dùng kết nối sẽ chiếm 40% dân số Việt Nam năm 2025

Giám đốc Miền Bắc Nielsen Việt Nam nhận định người tiêu dùng "kết nối" sẽ vượt qua tầng lớp trung lưu xét về mặt số lượng và tầm quan trọng, đặc biệt ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.


Phát biểu tại hội thảo "Khuynh hướng tiêu dùng 2017" do Thời báo kinh tế Việt Nam tổ chức, PGS.TS Nguyễn Văn Nam - Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược cạnh tranh cho biết tiêu dùng ngày nay đã phát triển đến một trình độ rất cao. Người Việt Nam hiện nay có thể sử dụng sản phẩm của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

Theo ông Nam, nhu cầu của người tiêu dùng thay đổi rất nhanh, từ người giàu đến người nghèo, từ thành thị đến nông thôn. Người tiêu dùng cũng có quyền lựa chọn và phán xét để chọn ra mặt hàng phù hợp.

Bên cạnh đó, với sự phát triển của kỷ nguyên số, người tiêu dùng có thể ngồi ở nhà hoặc nơi làm việc mà vẫn tìm được hàng nghìn sản phẩm đáp ứng nhu cầu của mình.

Ông Nam cho rằng sự thay đổi này không chỉ là thách thức đối với các doanh nghiệp nhỏ mà còn là bài toán khó ngay cả với các tập đoàn lớn. "Nếu chỉ bày hàng và chờ người tiêu dùng đến mua thì đã lỗi thời", ông Nam nhấn mạnh.

Ông Chaitanaya Kishore Reddy, đại diện công ty nghiên cứu thị trường TNS Việt Nam

Đồng quan điểm, ông Chaitanaya Kishore Reddy, đại diện công ty nghiên cứu thị trường TNS Việt Nam cho rằng thị trường tiêu dùng Việt Nam đã thay đổi rất nhiều trong những năm qua.

Theo ông Chaitanaya, thu nhập trung bình của người dân Việt Nam tăng lên đáng kể trong giai đoạn 2011-2014, từ đó thúc đẩy nhu cầu chi tiêu nhiều hơn và đòi hỏi nhận lại nhiều giá trị hơn từ những khoản chi tiêu đó.

Ông Chaitanaya lấy dẫn chứng, so với giai đoạn 1999-2000, lượng người Việt tới rạp xem phim đã tăng lên gần gấp đôi. Bên cạnh đó, các hình thức ẩm thực, giải trí cũng ngày càng phong phú.

Với dân số hơn 92 triệu dân, trong đó 2/3 nằm ở độ tuổi lao động từ 15-59, ông Chaitanaya đánh giá cơ hội cho các ngành hàng tiêu dùng Việt Nam có ở khắp mọi nơi. Những lĩnh vực được dự đoán khiến người dân Việt "chi hầu bao" nhiều hơn bao gồm giáo dục cho con cái, sản phẩm thức ăn và đồ uống, giải trí và chăm sóc sức khỏe.

Năm 2012, khi tiến hành khảo sát thị trường Việt Nam, ông Chaitanaya nhận thấy phần lớn mọi người đều cho rằng "tiền nào của nấy" và đánh giá cao các mặt hàng quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người đã tin tưởng và ưa chuộng hàng hóa sản xuất trong nước.

Chia sẻ tại hội thảo, Bà Đặng Thúy Hà - Giám đốc khu vực Miền bắc của Nielsen Vietnam cho biết, Việt Nam là một trong những nước có chỉ số niềm tin người tiêu dùng cao trong khu vực cũng như trên thế giới. "Khi có niềm tin cao, họ có xu hướng chi tiêu nhiều hơn", bà Hà nói.

Theo đại diện Nielsen, kênh thương mại truyền thống vẫn giữ vai trò chủ đạo đối với các ngành hàng tiêu dùng, tuy nhiên thị trường thương mại điện tử (TMĐT) cũng đang giữ mức tăng trưởng cao với nhiều tiềm năng. Cụ thể, doanh thu bán hàng qua hình thức TMĐT trong năm 2015 đạt 4,07 tỷ USD, tăng 37% so với năm 2014. Mức doanh thu này chiếm 2,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Dự báo trong những năm tiếp theo, thị trường TMĐT Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh.

Bà Hà cho rằng, dân số đông, tỷ lệ sử dụng Internet và smartphone cao là những điều kiện thuận lợi cho ngành TMĐT phát triển. Kết quả khảo sát năm 2015 cho thấy, trung bình một người Việt Nam chi 160 USD cho việc mua sắm qua mạng mỗi năm.

Giám đốc miền Bắc Nielsen Việt Nam nhận định người tiêu dùng "kết nối" sẽ vượt qua tầng lớp trung lưu xét về mặt số lượng và tầm quan trọng, đặc biệt ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Tại Việt Nam, dự đoán số người tiêu dùng "kết nối" sẽ tăng từ 23 triệu người trong năm 2017 lên 40 triệu người vào năm 2025, chiếm 40% tổng dân số.

Theo NĐH

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang