Nguy cơ hội chợ xuất khẩu biến thành nhập khẩu

Nguy cơ hội chợ xuất khẩu biến thành nhập khẩu

Tại Diễn đàn Xúc tiến Xuất khẩu Việt Nam 2017 ngày 20/4, một màn đối thoại đã diễn ra liên quan tới một hội chợ thương mại quốc tế. Theo đó, đại diện một doanh nghiệp cho biết, ông đã tham dự và đi khảo sát. Kết quả nhận thấy, DN Việt Nam tham gia hội chợ này chỉ chiếm 1/4, còn lại phần lớn là các DN nước ngoài.


Vị này nói: "Hầu hết nhiều ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như da giày, dệt may... gần như không có tại hội chợ, trong khi đó đa phần khách hàng đến mua sắm tại hội chợ là người Việt Nam. Vậy thử hỏi làm sao chúng ta xúc tiến xuất khẩu được hàng hoá thông qua hội chợ này. Thậm chí hội chợ xuất khẩu đang có nguy cơ biến thành nhập khẩu". 

xúc tiến thương mại cần phải nâng tầm

Muốn đẩy mạnh xuất khẩu xúc tiến thương mại cần phải nâng tầm 

Ngay lập tức, ông Bùi Huy Sơn, Cục Trưởng Cục Xúc tiến thương mại, phản biện và xác nhận rõ tên hội chợ mà vị DN đó đề cập là Vietnam Expo 2017. Tuy nhiên, ông Sơn cho biết, trên thực tế số lượng DN Việt Nam tham gia vẫn lớn hơn DN nước ngoài, nhưng nhìn DN nước ngoài trang trí gian hàng hoành tráng hơn nên có thể DN nhầm lẫn. Đồng thời, việc không mời DN dệt may, giày dép tham gia vì muốn tổ chức riêng một hội chợ chuyên ngành dành cho những lĩnh vực này.

Trên thực tế, chưa có kết quả kiểm chứng chính xác tại hội chợ này có bao nhiêu DN Việt tham gia. Nhưng tại hội nghị nhiều đại biểu cho rằng thời gian qua công tác xúc tiến thương mại dù đã đạt được những thành tích nhất định nhưng vẫn còn nhiều bất cập.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng mỗi năm Việt Nam xuất khẩu hàng hoá với giá trị gần 200 tỷ USD nên vai trò xúc tiến thương mại rất quan trọng. Trước đây xúc tiến thương mại của Việt Nam tập trung vào 2 khâu: "khoe mình" cho họ biết mình là ai và "khoe với ai" cho mình biết họ.

Nhưng đến nay, xúc tiến thương mại phải biết kết nối để học hỏi, kết nối với người lớn, người mạnh, người giỏi. Đồng thời, DN chỉ là một phần trong toàn bộ chuỗi giá trị và mạng sản xuất nên khi "khoe" mình, các DN còn phải cho họ biết DN chơi với ai, ai là đối tác của mình. Đó là thương hiệu và giá trị gia tăng của hàng hoá Việt, dịch vụ Việt.

Vì vậy, ông Thành hy vọng hoạt động xúc tiến thương mại thời gian tới cần thiết thực, hiệu quả. Muốn như vậy, bên cạnh cải thiện nguồn lực, cần kết nối với DN đối tác nước ngoài, những đối tác mà DN muốn "khoe", muốn học.

PGs.Ts. Nguyễn Văn Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng xúc tiến thương mại cũng như xúc tiến xuất khẩu có chức năng xúc tiến bán hàng, gắn kết được cung với cầu hàng hóa, gắn kết sản xuất với thị trường tiêu thụ hàng hóa. Sản xuất nông nghiệp đã có thể tạo ra lượng hàng hóa lớn nhưng tiêu thụ và xuất khẩu lại gặp nhiều khó khăn. Thực trạng đó đòi hỏi xúc tiến thương mại phải vào cuộc tham gia tìm kiếm đầu ra cho hàng hóa nông sản, từ thị trường trong nước đến thị trường xuất khẩu. Xúc tiến thương mại là chủ động tìm kiếm thị trường, định hướng cho sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường, xúc tiến bán hàng, hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa cho nông dân. Đó là những nghiệp vụ mà nông dân còn yếu kém nhưng lại là thế mạnh của các tổ chức xúc tiến thương mại.

Xúc tiến thương mại trong giai đoạn tới cần tập trung hoạt động chuyên sâu cho từng mặt hàng, đặc biệt đối với ngành nông sản, vốn rất đa dạng về chủng loại, thị trường thay đổi nhanh, nhiều mặt hàng mới xuất hiện do chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Các tổ chức xúc tiến xuất khẩu nên lựa chọn mỗi giai đoạn tập trung xúc tiến một số mặt hàng nông sản đang có tiềm năng, đang phát triển mạnh, thực hiện đồng bộ giữa chương trình, kế hoạch sản xuất với phát triển thị trường.

Như vải thiều là mặt hàng đã có hàng chục năm nhưng các năm trước đây thường phụ thuộc vào thị trường và thương lái Trung Quốc. Vài năm gần đây, với sự tham gia của các doanh nghiệp thương mại và xuất khẩu nên đã mở ra được cả thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu. Tình hình tiêu thụ vải thiều vào vụ thu hoạch đã được cải thiện đáng kể. Hiện còn nhiều mặt hàng nông sản như dưa hấu, thanh long, chuối, khoai lang,… dù năng lực sản xuất lớn nhưng việc tiêu thụ còn bấp bênh, cần sự ra tay của xúc tiến thương mại, xúc tiến bán hàng nhằm tạo ra những mặt hàng xuất khẩu nông sản ổn định và hiệu quả.

Bên cạnh đó, hoạt động tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế quy mô lớn, tổ chức các đoàn lớn tham quan, khảo sát các thị trường quốc tế, cần thiết tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại chuyên sâu với các nhóm chuyên gia và cán bộ quản lý khảo sát kỹ từng thị trường, từng mặt hàng tiếp cận đến người tiêu dùng, đến khách hàng kinh doanh mặt hàng cần xúc tiến. Nắm rõ cung - cầu, đặc điểm thị trường, thị hiếu, môi trường kinh doanh, luật lệ thể chế hoạt động kinh doanh.

"Tóm lại đó là những nội dung cơ bản của một thị trường mới mà các tập đoàn và các nhà kinh doanh muốn thâm nhập, muốn tiếp cận và xúc tiến buôn bán, kinh doanh. Xúc tiến thương mại không dừng lại ở phát hiện thị trường mà phải hiểu biết, nắm bắt và tiếp cận thị trường càng cụ thể, càng sâu sắc thì càng bổ ích cho nhà sản xuất, kinh doanh", ông Nam kiến nghị.

Theo TBKD

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang