Nhiều triển vọng
Một tin vui đến với người nông dân Thủ đô khi mới đây DN kinh doanh chuối Thái Lan đã đến Hà Nội, tham quan vùng trồng chuối tại xã Chu Minh (huyện Ba Vì). Trong chuyến thăm, DN này đã thống nhất đầu tư và chuyển giao khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình trồng chuối tiêu hồng khép kín với quy mô 10ha. Toàn bộ sản lượng chuối sau thu hoạch sẽ được DN thu mua và bán tại thị trường Thái Lan.
Chuối tiêu hồng là một trong những sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Hà Nội.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần cho hay, qua kiểm tra, phân tích mẫu đất, mẫu nước cho thấy điều kiện thổ nhưỡng của xã Chu Minh đáp ứng các yêu cầu trồng chuối tiêu hồng xuất khẩu. Với khoảng 570ha trồng chuối trên địa bàn, việc liên kết với DN nước ngoài sản xuất và xuất khẩu chuối sẽ mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp Ba Vì.
Trước đó, năm 2016 nhãn chín muộn của Hà Nội đã được xuất khẩu sang Malaysia và đang hoàn thiện những thủ tục pháp lý, đợi phản hồi từ thị trường Mỹ. Hà Nội hiện có hơn 500ha trồng nhãn chín muộn, tập trung tại 2 huyện Hoài Đức và Quốc Oai. Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm cho biết, nhãn chín muộn của địa phương được trồng chủ yếu tại xã Đại Thành.
Để phát triển thương hiệu nhãn chín muộn Đại Thành và đẩy mạnh xuất khẩu, đến nay toàn bộ diện tích trồng lúa của xã đã chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, trong đó chủ yếu là nhãn chín muộn với diện tích dự kiến đến năm 2020 đạt hơn 200ha.
Ngoài nhãn chín muộn, chuối tiêu hồng, Hà Nội còn nhiều loại quả đặc sản được người tiêu dùng ưa chuộng. Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện, toàn TP có khoảng 16.700ha trồng cây ăn quả, trong đó, tập trung chủ yếu phát triển 4 loại cây ăn quả đặc sản, giá trị kinh tế cao, gồm: Bưởi Diễn, cam Canh, nhãn chín muộn và chuối tiêu hồng.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao
Trong điều kiện đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp thì việc phát triển cây ăn quả của Hà Nội là hướng đi đúng. Song, để nâng cao giá trị hơn nữa, ngành nông nghiệp Hà Nội cần xây dựng kế hoạch cụ thể và hình thành được các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, liên kết chuỗi hướng tới xuất khẩu quả tươi và chế biến.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, cây ăn quả được xác định là một trong những sản phẩm chủ lực của ngành trồng trọt trong giai đoạn phát triển đến năm 2020 và 2030. Tính đến nay, Hà Nội có 924,5ha sản xuất cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao (CNC), chiếm 6,2% tổng diện tích cây ăn quả toàn TP. Trong đó, gồm 634ha ứng dụng giống chất lượng cao, 372ha chuối ứng dụng 2 tiêu chí sản xuất nông nghiệp CNC (giống nuôi cấy mô và bao buồng).
Nhằm hướng tới xuất khẩu bền vững, Sở NN&PTNT Hà Nội coi CNC là khâu đột phá để sản phẩm trái cây có đủ sức cạnh tranh tại thị trường quốc tế. Do đó, cùng với việc ứng dụng CNC, Hà Nội đã quy hoạch vùng và chủng loại trái cây. Dự kiến, đến năm 2020, quy mô sản xuất cây ăn quả tăng 26,2% về diện tích và 45% về sản lượng. Diện tích trồng cây ăn quả tăng thêm được chuyển đổi từ diện tích đất trồng sắn (khoảng 900 - 1.000ha), đất trồng lạc (khoảng 1.500 - 1.800ha) tại các huyện vùng đồi gò. Trong cơ cấu phát triển, diện tích trồng cây có múi dự kiến chiếm khoảng 26 - 28% và là nhóm sản phẩm quả chủ lực của Hà Nội trong giai đoạn 2020 - 2030.
Trong thời gian tới, bên cạnh bưởi Diễn, cam Canh, Hà Nội sẽ phát triển thêm các giống cam, quýt mới để đa dạng hóa sản phẩm quả có múi. Đối với cây chuối, tiếp tục sử dụng giống nuôi cấy mô để tăng năng suất, chất lượng, độ đồng đều của quả nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại
Theo KTĐT