Hiện nay các thương hiệu quốc tế thuộc ngành hàng ăn uống đã đầu tư rất nhiều vào thị trường bán lẻ nước ta và sẽ còn nhiều hơn nữa trong tương lai gần, do Việt Nam được đánh giá có tốc độ đô thị hóa nhanh, mức chi tiêu của người dân tăng mạnh.
Gần đây nhất, trong quý I/2018 đã có nhiều nhãn hàng ăn uống quốc tế vào thị trường Việt Nam, chủ yếu từ các quốc gia và vùng lãnh thổ của châu Á như: Thái Lan, Hongkong, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, bao gồm các nhãn hiệu như: TooCha, Meiwei, Buffalo Wild Wings và Aori Ramen...
Thương mại điện tử tác động làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân
Bên cạnh ngành hàng ăn uống, theo số liệu mới được công bố của Tổ chức International Grocery Research Organization (IGD), Việt Nam được dự báo sẽ trở thành thị trường có tốc độ phát triển các cửa hàng tiện lợi nhanh nhất khu vực châu Á vào năm 2021, xếp trên Philippines và Indonesia. Các nhãn hàng quốc tế như Family Mart đến từ Nhật Bản, Circle K đến từ Mỹ, Shop&Go và B’smart đến từ Đông Nam Á đang thống lĩnh thị trường và chiếm gần 70% tổng số cửa hàng tiện lợi hiện nay. Tuy nhiên, các nhãn hàng đó sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các cửa hàng tiện lợi trong nước và quốc tế khác vì nhiều nhà bán lẻ đang muốn chiếm thêm thị phần thông qua việc mở rất nhiều cửa hàng tiện lợi khắp Việt Nam. Như VinMart, một thương hiệu cửa hàng tiện lợi lớn của Việt Nam, đang có kế hoạch mở thêm 3.000 cửa hàng trên cả nước trong những năm tới. Gần đây, GS25, một chuỗi cửa hàng tiện lợi của Hàn Quốc đã vào thị trường Việt Nam và đang muốn mở hơn 2.500 cửa hàng khắp cả nước trong 10 năm tới.
Có thể thấy, hệ thống bán lẻ hiện đại đang có sự phát triển mạnh mẽ của cả các thương hiệu trong và ngoài nước, đưa thị trường vào giai đoạn cạnh tranh quyết liệt. Hiện có 20 tập đoàn bán lẻ lớn đã xuất hiện ở Việt Nam. Đặc biệt, bán lẻ kết hợp với thương mại điện tử trong thời gian gần đây nhận được rất nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư cũng như người tiêu dùng. Dự báo đến năm 2020, thị trường thương mại điện tử nước ta sẽ có quy mô tới 10 tỉ USD. Những thương hiệu thương mại điện tử lớn tại nước ta như Tiki và Lazada gần đây đã nhận được khoản đầu tư rất lớn từ các công ty Trung Quốc là JD.com và Alibaba.
Ông Liêu Hưng Tiến, Giám đốc kinh doanh Công ty Haravan nhận định, bán lẻ gắn với thương mại điện tử đang là một xu hướng của thị trường. Do thương mại điện tử ngày càng phát triển và tiện lợi nên hành vi mua sắm của khách hàng cũng thay đổi mạnh mẽ, người mua hàng rất dễ dàng tìm kiếm được thông tin người bán hoặc nhà cung cấp trên mạng Internet, với mô tả sản phẩm, nguồn gốc và giá cả rõ ràng, cộng với việc người mua có thể đặt hàng từ bất cứ nhà cung cấp nào trên đất nước, thậm chí mua hàng ở các quốc gia khác, hàng cũng sẽ được giao đến tận nhà. Chính vì thế, lợi thế cạnh tranh về mặt địa lý hay giá cả của doanh nghiệp Việt đều giảm mạnh vì khách hàng rất dễ dàng tìm được nhà cung cấp phù hợp với nhu cầu của mình thông qua thương mại điện tử.
Kênh bán lẻ hiện đại đang phát triển sôi động
Với xu hướng mới này, rất nhiều trung tâm thương mại kinh doanh theo hình thức cũ đã trở nên ế ẩm, thậm chí phải đóng cửa vì không cạnh tranh nổi với sự bùng nổ của thương mại điện tử và thương mại điện tử cũng trở thành một xu thế tất yếu trong ngành bán lẻ không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn cầu.
Mặc dù thói quen tiêu dùng của người dân hiện đã thay đổi rất nhiều, nhưng giữa tiêu dùng truyền thống và hiện đại vẫn đan xen nhau vì người tiêu dùng hiện vẫn còn nhiều e ngại về chất lượng hàng hóa thương mại điện tử.
Do đó, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp buộc phải cộng hưởng tốt giữa hai phương thức là bán hàng trực tuyến (online) và bán hàng trực tiếp (offline), kết hợp kinh doanh và quảng cáo sản phẩm qua mạng Internet để tăng thêm hiệu quả bán hàng, tiết kiệm chi phí.
Kết hợp giữa thương mại điện tử và mô hình bán lẻ truyền thống là chìa khóa để doanh nghiệp bán lẻ đạt được thành công. Nếu doanh nghiệp không thay đổi để theo kịp xu thế này sẽ không thể cạnh tranh được trong tình hình mới.
Bán lẻ kết hợp với thương mại điện tử trong thời gian gần đây nhận được rất nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư cũng như người tiêu dùng. Dự báo đến năm 2020, thị trường thương mại điện tử nước ta sẽ có quy mô tới 10 tỉ USD.
Theo Petrotimes