Phát triển thương hiệu để nâng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp

Phát triển thương hiệu để nâng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp

Bởi: Lý Gia Trang

Thương hiệu là tài sản vô hình quan trọng đối với doanh nghiệp. Xây dựng và phát triển thương hiệu không chỉ nhằm mục đích kinh doanh ngắn hạn của doanh nghiệp mà còn là một sự đầu tư lâu dài và bền vững cho tương lai.


Đây là nội dung chính tại Hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua phát triển thương hiệu” do Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương  tổ chức sáng 21/6 tại Hà Nội.

 

BCSI(6).JPG

Ông Đỗ Kim Lang - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Phó Tổng Thư ký Chương trình Thương hiệu Quốc gia.

 

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài sẽ diễn ra khốc liệt hơn. Do đó, việc xây dựng thương hiệu là một trong những hoạt động quan trọng, đánh giá mức độ thành công và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp ở nước ta vẫn chưa quan tâm đến vấn đề này, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

 

Theo Ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), thương hiệu Việt Nam hiện nay dường như đang bị lất át bởi các thương hiệu nước ngoài. Thực tế nhiều doanh nghiệp bị thua ngay trên "sân nhà".

 

Theo thống kê, cả nước hiện có gần một triệu DN đang hoạt động nhưng thực tế có đến 80% DN chỉ dùng đến 5% doanh số cho việc phát triển thương hiệu.Do đó, sản phẩm của các  Việt dù có chất lượng cao vẫn chưa tìm được vị trí xứng đáng ở cả thị trường nội địa và thị trường quốc tế.

 

Trước xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày một sâu rộng, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh việc xây dựng chiến lược sản phẩm và phát triển thương hiệu, tăng cường quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên các mạng xã hội. Ngoài ra cũng cần tiến hành đồng thời việc đăng ký bảo hộ thương hiệu trong nước và quốc tế để tránh những rủi ro pháp lý.

 

Theo bà Đặng Thúy Hà - Giám đốc Nielsen Việt Nam cho rằng, hiện nay, 80 - 90% ứng viên người Việt nói rằng, nguồn gốc nhãn hiệu cũng quan trọng hoặc quan trọng hơn các quá trình điều khiển mua sắm khác. Do đó, chiến lược của doanh nghiệp cần phải xem khuynh hướng người tiêu dùng với các nhóm hàng cụ thể, quan tâm đến các đối thủ cạnh tranh để có chiến lược phát triển phù hợp.

VIỆN NGHIÊN CỨU BCSI.JPG

Toàn cảnh hội thảo

Chia sẻ về vấn đề phát triển thương hiệu, TS. Declan P Bannon, Đại học Anh tại Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm nghiên cứu, xác định mục tiêu, nghiên cứu mục tiêu để có chiến lược tốt hơn so với đối thủ cạnh tranh, quan trọng hơn nữa là tập trung vào khách hàng thực chất của doanh nghiệp.

 

“Việc xây dựng được thương hiệu sẽ tạo ra sự thuận lợi rất lớn khi bán hàng. Tuy nhiên, để xây dựng được thương hiệu thì các sản phẩm không thể có chất lượng kém. Từ việc xây dựng thương hiệu tốt sẽ giúp đẩy mạnh khâu bán hàng, tăng sự lựa chọn của người tiêu dùng thông qua sự phổ biến”, TS. Declan P Bannon nhấn mạnh.

 

Ngoài ra các chuyên cũng đưa ra khuyến nghị, Nhà nước cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với thông tin về thị trường; cũng như là hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực xây dựng chiến lược về thương hiệu thông qua các chương trình đào tạo.

 

Đứng trước những thách thức từ quá trình hội nhập, ông Đỗ Kim Lang chia sẻ, thời gian tới Chương trình Thương hiệu quốc gia sẽ đẩy mạnh việc xây dựng môi trường thuận lợi cho hoạt động phát triển thương hiệu thông qua việc phối hợp các chương trình và hoạt động tương đồng về mục tiêu và nội dung do các bộ, ngành thực hiện, qua đó tạo lập cơ chế chính sách đồng bộ và sử dụng nguồn lực hiệu quả. Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng năng lực phát triển thương hiệu thông qua các hoạt động đào tạo, tư vấn và thông tin nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, phát triển xuất khẩu, mở mang thị trường nội địa làm nền tảng để xây dựng thương hiệu.

Chương trình thương hiệu quốc gia ra đời từ năm 2003 với mục đích nhằm xây dựng hình ảnh về Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hoá và dịch vụ đa dạng, phong phú với chất lượng cao nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho các thương hiệu sản phẩm Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế trong quá trình hội nhập, tăng cường sự nhận biết của các nhà phân phối và người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam.

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang