Ngày 18-6 sẽ hoàn tất thanh tra về xuất khẩu gạo

Ngày 18-6 sẽ hoàn tất thanh tra về xuất khẩu gạo

Ngày 18-6 tới, đoàn thanh tra về xuất khẩu gạo sẽ kết thúc cuộc thanh tra và kết luận liên quan đến trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc đề xuất chính sách xuất khẩu gạo vừa qua sẽ được công bố rộng rãi.


Ngày 18-6 sẽ hoàn tất thanh tra về xuất khẩu gạo - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải - Ảnh: VIỆT DŨNG

Trả lời về trách nhiệm của Bộ Công thương trong vấn đề xuất khẩu gạo vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng với vấn đề an ninh lượng thực, mặt hàng gạo được quan tâm và Việt Nam không phải là ngoại lệ. 

"Quý 1-2020, dịch bệnh COVID-19 diễn ra nhanh, phức tạp trên thế giới và Việt Nam, tình hình gạo toàn cầu phát sinh biến động đa chiều. Điều hành xuất khẩu gạo, Bộ Công thương thực hiện chức năng nhiệm vụ và đánh giá tầm quan trọng, đã báo cáo xin ý kiến chỉ đạo các cấp có thẩm quyền, tránh gây ảnh hưởng cân đối cung - cầu, đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh dịch bệnh".

Theo ông Đỗ Thắng Hải, những quyết định liên quan đến việc tạm dừng xuất khẩu gạo thời điểm đó xuất phát từ các căn cứ: "Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, hai tháng đầu năm 2020 xuất khẩu đạt gần 1 triệu tấn, tăng 31,7% so với cùng kỳ 2019 và nếu tốc độ như vậy, quý 1 xuất khẩu 1,7 triệu tấn, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2019. Sáu tháng đầu năm có thể đạt tới 3,7 triệu tấn, lớn hơn nhiều so với lượng hàng hóa có thể dự kiến xuất. 

Các quốc gia có nhu cầu gạo cũng liên tục quan tâm, khó xác định diễn biến dịch bệnh, tâm lý người dân khi mua thóc gạo. Vì vậy, Chính phủ có quyết định tạm dừng xuất khẩu đến giữa tháng 5 nhằm đảm bảo các mục tiêu bình ổn. 

Nhưng sau khi làm việc với các cơ quan liên quan, Bộ Công thương đã có phương án điều hành xuất khẩu tháng 5 và Chính phủ cho xuất khẩu gạo trở lại bình thường và không có hạn ngạch".

Ông Hải cũng nhấn mạnh: "Tuy nhiên, đến giờ phút này vẫn phải quan tâm an toàn, an ninh lương thực nên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đã có văn bản yêu cầu phối hợp, đôn đốc giám sát yêu cầu mức dự trữ lưu thông tối thiểu 5%; các thương nhân xuất khẩu gạo yêu cầu phải ký thỏa thuận ít nhất một hệ thống siêu thị về lượng dự trữ lưu thông. 

Các tỉnh có biện pháp xử lý vi phạm phù hợp với thương nhân có vi phạm, có văn bản công hàm tới các đoàn ngoại giao tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu gạo…".

"Chúng tôi thấy rằng trong quá trình điều hành luôn bám sát ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về các văn bản liên quan, phối hợp với thương nhân liên quan để thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ nhằm triển khai hiệu quả nhiệm vụ được giao" - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh. 

“Đối với trách nhiệm về đề xuất chính sách điều hành, Thủ tướng đã có chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra về xuất khẩu gạo và làm việc trong 35 ngày. Như vậy, ngày 18-6 tới, đoàn thanh tra mới kết thúc cuộc thanh tra theo quy định và kết luận sẽ được công bố rộng rãi” - ông Hải cho biết thêm.

Ngày 18-6 sẽ hoàn tất thanh tra về xuất khẩu gạo - Ảnh 2.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng chỉ đạo của Thủ tướng về xuất khẩu gạo trong bối cảnh đó là đúng - Ảnh: VIỆT DŨNG

Cũng trả lời về vấn đề xuất khẩu gạo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng: Mục tiêu được Thủ tướng đặt ra là đến năm 2020 sẽ đạt 7 triệu tấn gạo xuất khẩu. Trong bối cảnh các nước có dịch bệnh, các chuyến bay đóng cửa và cấm vận thì ngày 23-3 Bộ Công thương kiến nghị dừng xuất, sau đó đánh giá lại thì cho xuất khẩu gạo trở lại nhưng có kiểm soát. 

Do đó, việc chỉ đạo của Thủ tướng trong bối cảnh như vậy là đúng và việc Bộ Công thương đề xuất trong bối cảnh như vậy là hoàn toàn phù hợp.

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang