Nói về khối kinh tế tư nhân, TS. Trần Đình Thiên cho biết số lượng doanh nghiệp của Việt Nam không phải là nhỏ, nhưng để biến số lượng thành lực lượng với sức mạnh lớn hay không là cả một câu chuyện phải bàn.
“Khối tư nhân của chúng ta có vẻ không chặt, trục liên kết yếu”, Viện trưởng Thiên nói. Ông cũng thẳng thắn thừa nhận, hiện rất nhiều cuộc họp, hội thảo, hội nghị đã bàn đến việc đổi mới, phát triển khu vực này nhưng vẫn còn nhiều vấn đề chưa giải quyết được, đặc biệt là vấn đề “giảm chi phí”.
“Doanh nghiệp của chúng ta dàn hàng ngang bao nhiêu năm không chịu lớn, hô hào tiến lên cũng không tiến được bao nhiêu. Tôi cho rằng còn có quá nhiều rào cản ở đây”, TS. Trần Đình Thiên nói.
Rào cản, TS. Thiên đặc biệt cho rằng nó liên quan đến nguồn thu của nhà nước. Cụ thể, thu của nhà nước càng nhiều thì chi phí doanh nghiệp càng tăng cao. “Bấy lâu nay chúng ta chỉ bàn về thu, nên không giải quyết được. Phải bàn về chi, chừng nào chi giảm, chi hợp lý thì chi phí của doanh nghiệp sẽ được giảm đi”, ông nói.
Bản thân TS. Trần Đình Thiên cũng có sự trăn trở đối với khối doanh nghiệp tư nhân. Bởi lẽ, như những chia sẻ của ông tại Hội thảo, doanh nghiệp tư nhân đã có đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế: tạo ra 40% GDP, thu hút khoảng 51% lực lượng lao động (số liệu Tổng cục Thống kê 2016) nhưng bản thân họ chưa được coi trọng (trước đây -PV). Trong khi đó, nếu nhìn sang khối doanh nghiệp FDI và những gì khối này đóng góp, có thể nhận thấy sự bất công.
“Doanh nghiệp FDI dù có đóng góp cho tăng trưởng GDP, cho ngân sách, nhưng đi kèm với nó là gì, đã đủ so với mục tiêu chúng ta đề ra ban đầu khi rải thảm mời họ hay chưa?”, TS. Trần Đình Thiên đặt câu hỏi.
Ông cũng nhấn mạnh rằng hiện các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam như “một khoảng trời độc lập”, công nghệ không có gì tân tiến. Họ vào Việt Nam với lời mời hấp dẫn như nhân công giá rẻ, tài nguyên dồi dào, nhiều ưu đãi chính sách... và tận dụng nó một cách triệt để.
“Thực chất Việt Nam mới tận dụng được khối FDI một cách tối thiểu, trong khi, họ dùng ta ở mức tối đa”, TS. Thiên nhận xét. Do đó, ông cho rằng trong tới đây cần phải đặt lại vấn đề, phải làm rõ xem Việt Nam khai thác được gì từ thế mạnh của doanh nghiệp FDI.
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng chính vì trong cùng một hệ sinh thái nhưng doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI được hưởng nhiều lợi thế cho nên doanh nghiệp tư nhân rất khó phát triển bình thường được.
“Nếu bất bình đẳng trong môi trường cạnh tranh cứ tiếp tục, doanh nghiệp tư nhân sẽ mãi không lớn được", TS. Trần Đình Thiên nói.
Theo Trí thức trẻ
Nội dung đang cập nhật...
Giấy phép số: 218/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp
Địa chỉ: Tầng 3, nhà D, Khách sạn La Thành, số 226 Vạn Phúc, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: 0877459777 - Email: nhat.cao@bcsi.edu.vn
Website: www.bcsi.edu.vn
Copyright © 2016 by BCSI