Đổi mới DNNN và phát triển kinh tế tư nhân

Đổi mới DNNN và phát triển kinh tế tư nhân

Chiều 30/5, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương, Trung tâm Thông tin kinh tế phối hợp với Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức Hội thảo “Đổi mới doanh nghiệp nhà nước và phát triển kinh tế tư nhân”.


Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi các nội dung xung quanh những đổi mới tư duy lý luận quan trọng về cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và khuyến khích kinh tế tư nhân (KTTN) phát triển trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

doi moi dnnn va phat trien kinh te tu nhan
Toàn cảnh hội thảo "Đổi mới doanh nghiệp nhà nước và Phát triển kinh tế tư nhân".

Cụ thể: Những đổi mới tư duy đó đã được nhận thức và đưa vào thực tiễn ở nước ta như thế nào; lộ trình cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN; khuyến khích phát triển KTTN trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay cần có lộ trình và những giải pháp đột phá ra sao...

Đặc biệt, hội thảo làm rõ hơn vị trí, vai trò, chức năng và mối quan hệ của Nhà nước, thị trường và xã hội phù hợp với kinh tế thị trường; mối quan hệ giữa các chủ thể kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Các đại biểu tham dự hội thảo đã cùng nhau trả lời các câu hỏi: Làm thế nào nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của DNNN? Làm gì để phát triển KTTN nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng, để KTTN thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế?...

Tại hội thảo, TS. Phạm Minh Điển, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Tổng hợp - Ban Kinh tế Trung ương, khẳng định, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, trong đó chú trọng vấn đề cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả DNNN và về khuyến khích, tạo điều kiện để KTTN phát triển.

Từ chỗ cả nước có hơn 12.000 DN 100% vốn nhà nước, đến năm 2001 giảm xuống còn 5.655 DN 100% vốn nhà nước, và đến thời điểm tháng 10- 2016 chỉ còn 718 DN 100% vốn nhà nước. Tuy nhiên, đến nay DNNN vẫn chưa thực hiện tốt vai trò là lực lượng nòng cốt, tạo động lực phát triển nền kinh tế. Nhìn chung, hiệu quả kinh doanh và đóng góp của phần lớn DNNN còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư. Nhiều DNNN làm ăn thua lỗ, thất thoát, tham nhũng, lãng phí...

doi moi dnnn va phat trien kinh te tu nhan
Kinh tế tư nhân được đánh giá là còn rất nhiều tiềm năng.

Về khuyến khích phát triển KTTN, TS. Phạm Minh Điển nhấn mạnh: KTTN ngày càng đóng góp lớn hơn trong nền kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước (tỷ trọng trong GDP của khu vực KTTN, bao gồm cả kinh tế cá thể, duy trì khoảng 39 - 40%), tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, số lượng doanh nghiệp tư nhân tăng nhanh với nhiều loại hình đa dạng; phong trào khởi nghiệp được đẩy mạnh.

Song, năng lực nội tại của KTTN nhìn chung còn thấp; trình độ công nghệ thấp và chậm đổi mới; trình độ quản trị, năng lực tài chính, năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh còn yếu. Khả năng liên kết với các thành phần kinh tế khác và tham gia chuỗi giá trị trong nước, khu vực và toàn cầu còn nhiều hạn chế. Tình trạng gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh, gây ô nhiễm môi trường, không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm... còn diễn biến phức tạp...

Hội thảo đã thu hút nhiều tham luận, công trình nghiên cứu công phu, đóng góp những ý kiến, kiến nghị thật sự có giá trị, tập trung làm rõ những căn cứ lý luận và thực tiễn về cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả DNNN và phát triển KTTN phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Theo Petrotimes

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang