Ông Nguyễn Trần Hưng, Khoa Hệ thống thông tin và thương mại điện tử (Đại học Thương mại) cho rằng, người tiêu dùng Việt Nam đang có sự quan tâm và tiêu thụ mạnh mẽ những sản phẩm thân thiện với môi trường và có đòi hỏi cao hơn về chất lượng cũng như nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.
Theo ông Hưng, người Việt Nam đang có nhu cầu tăng đột biến về các sản phẩm là thực phẩm hữu cơ (organic food). Đây chính là minh chứng tốt nhất cho xu hướng tiêu dùng các sản phẩm sạch, giàu dưỡng chất tự nhiên, không hóa chất và thân thiện với môi trường trong thời gian sắp tới.
Bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc bộ phận nghiên cứu Người tiêu dùng – Nielsen Việt Nam cho biết, khuynh hướng tiêu dùng năm 2017 chủ yếu là về vấn đề sức khỏe, về thực phẩm an toàn, sự tương đồng giữ công việc, vui chơi giải trí. Các doanh nghiệp với sản phẩm về thực phẩm sạch sẽ lên ngôi và được chú tâm. Đây chính là thách thức và cũng là cơ hội của doanh nghiệp với khách hàng để đưa ra sản phẩm bền vững cho người tiêu dùng.
“Tôi chắc chắn rằng, những doanh nghiệp đưa ra và thực hiện được khẩu hiệu đồng hành cùng sức khỏe, cam kết thực phẩm an toàn vì sức khỏe người dùng thì chắc chắn các doanh nghiệp ấy sẽ thành công và phát triển vững bền”, bà Đặng Thúy Hà nhấn mạnh.
Bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc bộ phận nghiên cứu Người tiêu dùng – Nielsen Việt Nam.
Bà Đặng Thúy Hà cho biết thêm, với sự phát triển của khoa học công nghệ, kĩ thuật số thì các doanh nghiệp có những cơ hội rất lớn để tập trung vào một đối tượng khách hàng mà được gọi là người tiêu dùng kết nối hoặc người mua hàng đa kênh.
Cùng với đó, xu hướng người tiêu dùng lựa chọn kênh thông tin online, mua hàng online đang chiếm một con số rất lớn. Theo nghiên cứu của Nielsen Việt Nam, số lượng người sử dụng điện thoại di động nhiều hơn dân số. Đặc biệt, khu vực thành thị có hơn 80% dân số sử dụng điện thoại thông minh còn khu vực nông thôn là hơn 50%. Điều này cho thấy kênh online đang có thế mạnh hơn các kênh bán hàng khác. Và cùng với sản phẩm sạch, an toàn, chất lượng vì sức khởỏe thì các doanh nghiệp cũng cần giữ đúng lời hứa với ngươi tiêu dùng trong việc đưa ra thông tin về sản phẩm.
“Nếu người tiêu dùng họ tin các thông tin của bạn và đặt mua. Tuy nhiên, sản phẩm họ nhận không đúng như thông tin bạn cung cấp thì đó là sự thất bại của chính bạn và doanh nghiệp bạn sẽ không bao giờ phát triển bền vững. Kênh online có thuận lợi nhưng cũng đây rủi ro và mức độ cạnh tranh khốc liệt. Thế nên, việc trung thực thông tin là một điều cần thiết để phát triển”, bà Đặng Thúy Hà nhấn mạnh.
Theo PGS.TS.Nguyễn Văn Nam, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh thì người tiêu dùng bây giờ có thể ngồi một chỗ để mua hàng ở bất cứ nơi nào trên thế giới, từ các ngóc ngách, các thương hiệu nổi tiếng trên khắp địa cầu. Vậy nên, doanh nghiệp cần đưa ra mô hình bán hàng và tiếp cận đa kênh. Điều quan trọng hơn hết, chính doanh nghiệp phải hiểu sản phẩm của mình là gì và người tiêu dùng cần gì. Xu thế mua hàng bây giờ của người tiêu dùng là vấn đề sức khỏe, từ “ăn-mặc-ở” cũng cần đảm bảo tốt các tiêu chí an toàn cho sức khỏe.
CHIA SẺ CHIA SẺ
Diễn đàn “Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam 2017” được diễn ra sáng nay (25/5), tại Hà Nội.
Diễn đàn “Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam 2017” được diễn ra sáng 25/5, tại Hà Nội. Diễn đàn do Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh phối hợp với Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức. Mục tiêu của diễn đàn nhằm đưa ra những giải pháp phát triển bền vững ngành hàng tiêu dùng tại Việt Nam.
Tại diễn đàn, các chuyên gia cũng đưa ra nhận định, với dân số đông thứ ba ở khu vực Đông Nam Á, gần 70% dân số thuộc độ tuổi lao động (16-60 tuổi), Việt Nam là thị trường lớn của ngành hàng tiêu dùng và có sức hấp dẫn lớn đối với các doanh nghiệp. Năng lực mua sắm của Việt Nam đang tăng lên mỗi ngày.
Với những tiện ích về cơ sở hạ tầng cũng như kết nối xã hội thuận tiện khiến hành vi tiêu dùng thay đổi, dẫn đến người tiêu dùng có xu hướng mua hàng đa kênh sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển cho thị trường thương mại điện tử Việt Nam.
Dự đoán và nhận định của tất cả các hãng nghiên cứu thị trường toàn cầu cho thấy, giai đoạn 2017-2025 số lượng khách hàng tiêu dùng trực tuyến tại Việt Nam sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Quan trọng hơn là thị trường bán lẻ trực tuyến trong thời gian tới sẽ có sự tham gia của đa dạng người mua, người bán.
Theo Vietq