Phát biểu tại Diễn đàn, PGS.TS. Nguyễn Văn Nam, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, trong thập kỷ gần đây, khủng hoảng kinh tế diễn ra đều là khủng hoảng về tài chính. Vì vậy, tất cả lĩnh vực, các cơ quan và doanh nghiệp đều phải hết sức quan tâm đến an ninh tài chính.
Tuy nhiên, quản trị rủi ro tại thị trường tài chính Việt Nam đang đặt ra những vấn đề rất cấp bách. Gần đây đã có một số ngân hàng thương mại bị sáp nhập hoặc bị buộc phải bán với giá 0 đồng chỉ vì quản trị rủi ro yếu kém. Thực trạng này đòi hỏi cần phải có nhiều giải pháp để đảm bảo an toàn và an ninh tài chính quốc gia, doanh nghiệp.
Nhận định về tình hình rủi ro an ninh, an toàn trong lĩnh vực tài chính, Thiếu tá Dương Thu Ngọc, đại diện Cục An ninh tài chính, tiền tệ và đầu tư (A84) cho rằng, hoạt động của các doanh nghiệp trên lĩnh vực tài chính, ngân hàng và đầu tư đang có nhiều diễn biến phức tạp. Tội phạm công nghệ cao ngày càng hoạt động tinh vi, đã và đang gây ra khá nhiều bất ổn trong hoạt động của các hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng.
Theo Thiếu tá Dương Thu Ngọc, thời gian gần đây, nhiều cán bộ cấp cao bị bắt giam, điều tra… cùng nhiều sai phạm liên quan đến điều hành hoạt động và cho vay, gây ảnh hưởng đến an ninh, an toàn hệ thống.
Nhiều đối tượng lợi dụng những bất ổn đó để đưa ra những tin đồn thất thiệt làm xấu hình ảnh ngân hàng, khiến thị trường tài chính hỗn loạn, nhiều khách hàng rút tiền khỏi ngân hàng gây ra nhiều bất ổn cho hoạt động của cả hệ thống ngân hàng. Chẳng hạn như các đối tượng đã tung tin đồn chủ tịch một số ngân hàng lớn bị bắt. Tin đồn này đã gây hoảng loạn trên thị trường chứng khoán khiến các nhà đầu tư bán tháo khiến gần 430 mã chứng khoán giảm điểm, vốn hóa thị trường mất đi 33.789 tỷ đồng (tương đương 1,6 tỷ USD)... Thời gian qua, cơ quan Công an đã điều tra, truy xét tìm ra nhiều đối tượng cố tình phát tán tài liệu mật hay tung tin đồn thất thiệt… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường tài chính, tiền tệ.
Nhấn mạnh vấn đề quản trị rủi ro tài chính trong các doanh nghiệp Việt Nam, TS. Phạm Tuấn Anh, Giảng viên Trường Đại học Thương mại, chỉ ra rằng, các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang phải đối mặt rất lớn với rủi ro thanh khoản, rủi ro lãi suất, rủi ro hối đoái và rủi ro tín dụng... Trong năm 2016, với 105 doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam nhưng đã có 81% doanh nghiệp thường xuyên nhận diện các rủi ro tài chính, 22% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ của tư vấn để nhận diện rủi ro, đồng thời phần lớn doanh nghiệp nhận diện rủi ro thông qua phân tích các chỉ tiêu tài chính căn bản.
Tuy nhiên, TS. Phạm Tuấn Anh cho rằng các hình thức nhận diện rủi ro tài chính ở Việt Namcòn khá đơn giản và mang tính hình thức. Nhiều doanh nghiệp ở các ngành, lĩnh vực khác nhau, nhưng cách thức, kỹ thuật nhận dạng rủi ro tài chính lại không có nhiều khác biệt. Trong khi đó, rủi ro tại thị trường tài chính Việt Nam đang đặt ra những vấn đề rất cấp bách đòi hỏi cần phải có nhiều giải pháp để bảo đảm an toàn và an ninh tài chính quốc gia, doan nghiệp.
Cần tăng cường nhận thức an ninh tài chính
An ninh thông tin, đặc biệt là an ninh tài chính hơn lúc nào hết là vấn đề sống còn đối với mỗi ngân hàng, tổ chức tín dụng và bản thân của mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề này ở Việt Nam dường như còn khá mới mẻ, bản thân các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn đang khá thờ ơ hoặc chưa ý thức được tầm quan trọng của vấn đề này. Điều này sẽ khiến bản thân mỗi doanh nghiệp sẽ luôn phải đối diện với rủi ro đổ vỡ về tài chính, những món nợ dẫn tới có thể phá sản.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, từ trước đến nay, nhắc tới an ninh người ta thường nghĩ đến các lĩnh vực an ninh chính trị, quân sự và xã hội với việc đảm bảo an ninh bằng các biện pháp vũ trang, bằng lực lượng quân sự, bằng các thiết chế luật pháp và cưỡng chế thi hành pháp luật. Tuy vậy gần đây, khái niệm an ninh đã được mở rộng sang các lĩnh vực kinh tế - tài chính và nâng lên tầm khu vực và toàn cầu. Chính vì vậy, vấn đề về an ninh tài chính đã được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm từ rất lâu, bởi vì chỉ khi tài chính tín dụng được an toàn thì cả nền kinh tế mới ổn định.
Chuyên gia Vũ Đình Ánh cho rằng: “Nếu không có ngay các biện pháp củng cố và giữ vững an ninh tài chính cho hệ thống các tổ chức tín dụng - “bà đỡ” của các hoạt động sản xuất kinh doanh - thì không những các tổ chức này hoạt động không hiệu quả, rủi ro cao dẫn tới khủng hoảng tài chính - tiền tệ, mà còn gây ra đổ vỡ hàng loạt, theo dây chuyền, tác động xấu tới toàn bộ sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta".
Còn TS. Phạm Tuấn Anh thì cho rằng, hơn lúc nào hết, nhà quản lý cũng như bản thân mỗi doanh nghiệp cần tiếp tục có những nghiên cứu, thực nghiệm về cấu trúc rủi ro tài chính tại Việt Nam, về nhận thức và quan điểm của các nhà quản trị doanh nghiệp về rủi ro tài chính và quản trị rủi ro tài chính… bởi đây là xu hướng tất yếu của một nền kinh tế hội nhập, công nghệ cao.
Thiếu tá Dương Thu Ngọc thì khuyến nghị doanh nghiệp cần nhận thức rõ được tầm quan trọng trong việc bảo vệ thương hiệu và nguy cơ cạnh tranh trong môi trường kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng. Doanh nghiệp cần có cơ chế kiểm soát, phòng ngừa tốt, đặc biệt là các dữ liệu điện tử để tránh bị tấn công mạng, đánh cắp thông tin. Bởi khi để xảy ra sự cố thì nguy cơ rủi ro tài chính với doanh nghiệp là rất lớn. Các doanh nghiệp cũng nên có sự liên kết và gắn bó chặt chẽ với các hiệp hội để từ đó có sự chia sẻ thông tin và bảo vệ trong lĩnh vực hoạt động của mình.
Đại diện A84 lưu ý, mỗi vụ việc xảy ra không chỉ là việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước, mà còn có thể của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Do đó, khi có vấn đề, cần mạnh dạn tố cáo, đấu tranh với các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh. Các cơ quan chức năng sẵn sàng tăng cường phối hợp với doanh nghiệp để lành mạnh hoá thị trường, góp phần tạo ra sân chơi công bằng giữa các doanh nghiệp
Ở mức độ vĩ mô, chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực đề xuất thực hiện báo cáo đánh giá rủi ro tài khóa hàng năm; thành lập các bộ phận đầu mối quản lý rủi ro tài khóa thuộc Bộ Tài chính hoặc do các liên vụ, cục phụ trách. Bên cạnh đó, các cơ quan cần nâng cao năng lực phân tích rủi ro, xây dựng cơ sở dữ liệu, dự báo, cảnh báo… để các doanh nghiệp có thông tin để hoạt động, điều phối hoạt động kinh doanh…/.
Theo KTDB