Theo khảo sát của Sở Công Thương, hiện nay số doanh nghiệp trên địa bàn Nghệ An đang hoạt động đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp còn quá ít. Hầu hết các doanh nghiệp chưa có chiến lược đầu tư cho vấn đề này, do đó các sản phẩm của doanh nghiệp Nghệ An “thua” ngay trên sân nhà chứ chưa nói đến việc cạnh tranh xuất khẩu.
Đồ họa; Hữu Quân
Thống kê cho thấy, toàn tỉnh hiện có 811 đối tượng được bảo hộ với 636 nhãn hàng hóa, 53 kiểu dáng, 7 giải pháp hữu ích và 10 sáng chế. Thế nhưng hoạt động đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp còn quá ít so với hoạt động kinh tế của tỉnh; tỷ lệ đơn đăng ký cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của Nghệ An so với cả nước còn rất thấp, chỉ bằng 0,46%.
Mới đây đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) Nghệ An tổ chức điều tra nhu cầu của doanh nghiệp trên địa bàn về vấn đề đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, kết quả cho thấy chỉ có 16,4% doanh nghiệp đã đăng ký nhãn hiệu, 4,9% doanh nghiệp cho biết đang tìm hiểu, 50,4% doanh nghiệp chưa đăng ký sản phẩm, dịch vụ, 11,7% doanh nghiệp trả lời chưa có nhu cầu, chưa quan tâm và chưa có ý định đăng ký…
Công ty tôn thép Định Nhàn - một trong những doanh nghiệp ở Nghệ An tiên phong trong xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm. Ảnh tư liệu: Việt Phương
Thương hiệu uy tín sẽ giúp người tiêu dùng lựa chọn tin dùng sản phẩm của doanh nghiệp trước sự đa dạng hàng hóa như hiện nay. Chính vì vậy, việc xây dựng và phát triển thương hiệu không chỉ dành cho các công ty lớn, mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn phát triển thành công, bền vững cần thiết ưu tiên xây dựng thương hiệu uy tín, coi trọng lợi ích của khách hàng, cùng với đó là các cách thức xây dựng hình ảnh, chú trọng truyền thông, lan tỏa thương hiệu.
Theo Báo Nghệ An