Sáng tạo trong xúc tiến thương mại đem lại giá trị lớn cho thương hiệu vải thiều Bắc Giang

Sáng tạo trong xúc tiến thương mại đem lại giá trị lớn cho thương hiệu vải thiều Bắc Giang

Bởi: Lý Gia Trang

Ngày 2/8, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị tổng kết công tác sản xuất và tiêu thụ vải thiều 2017 cũng như công tác chuẩn bị cho mùa vải thiều 2018. Theo đánh giá, mặc dù sản lượng năm nay không cao nhưng đây là niên vụ vải đạt giá trị cao nhất trong vòng 60 năm qua.

 

Nguồn:BCSI

Theo ông Trần Quang Tấn - Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang, do điều kiện thời tiết khó khăn, sản lượng vải thiều Bắc Giang năm 2017 giảm khoảng 40% so với mọi năm. Tuy nhiên, vải thiều lại tiêu thụ thuận lợi và đạt mức giá bán cao nhất trong vòng 6 thập kỷ qua. Giá trị sản xuất từ vải thiều toàn tỉnh ước đạt 3.537 tỷ đồng, doanh thu từ hoạt động dịch vụ phụ trợ đạt 1.769 tỷ đồng, nâng tổng doanh thu từ vải thiều và các hoạt động phụ trợ ước đạt 5.306 tỷ đồng. Giá bán trung bình cả vụ đạt 38 nghìn đồng, cao gần gấp 2 lần so với năm 2016. Giá vải thiều xuất khẩu trung bình đạt 58 nghìn đồng/kg.

Hình ảnh có liên quan

Ảnh minh họa internet

 

Thị trường tiêu thụ quả vải của Bắc Giang cũng có sự chuyển dịch. Tổng số lượng tiêu thụ nội địa đạt gần 55 nghìn tấn, chiếm 60% sản lượng. Những địa phương tiêu thụ lượng vải thiều lớn như: Hà Nội, Huế, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Riêng thị trường phía Nam tiêu thụ trên 19.105 tấn, chiếm khoảng 34,8% tổng sản lượng tiêu thụ nội địa.

 

Với thị trường xuất khẩu, năm nay được đánh giá đa dạng hơn mọi năm. Báo cáo của Sở Công Thương Bắc Giang cho thấy, tổng sản lượng xuất khẩu vải năm 2017 đạt trên 36.600 tấn, bằng 40% tổng sản lượng quả vải của tỉnh. Trong đó, thị trường Trung Quốc chiếm 76,5% tổng sản lượng xuất khẩu, đạt 28.000 tấn. Bên cạnh đó, quả vải còn tiếp tục được xuất khẩu vào các thị trường đòi hỏi chất lượng cao như: Mỹ, Australia, EU, Nhật Bản. Đặc biệt, năm 2017 lần đầu tiên quả vải thiều của Bắc Giang tiến vào thị trường Dubai, Hà Lan, Thái Lan. Tính đến thời điểm hiện nay, vải thiều của Bắc Giang đã được xuất khẩu vào hơn 30 quốc gia trên thế giới.

 

Theo đánh giá của tỉnh Bắc Giang, mặc dù thời tiết không thuận lợi nhưng kỹ thuật sản xuất của người nông dân đã được nâng lên đáng kể. Theo đó, nhiều hộ dân đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Theo thống kê, toàn tỉnh Bắc Giang có đến hơn 1.000 hộ dân có vườn vải thiều thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên, hàng chục hộ thu nhập 500 triệu đồng, cá biệt có những vườn vải đem lại trên 800 triệu đồng.

 

Theo ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương, năm 2017, tỉnh Bắc Giang đã sáng tạo và đa dạng trong các hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt tổ chức hội nghị xúc tiến quy mô lớn tại thành phố Bắc Giang và lần đầu tiên tại Trung Quốc với sự tham gia của gần 200 doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc. Đồng thời sớm kết nối, ký kết hợp đồng liên kết bao tiêu sản xuất giữa người trồng vải với các doanh nghiệp, tăng cường kết nối với các doanh nghiệp, thương nhân để phân phối, tiêu thụ vải thiều Bắc Giang.

 

Còn theo ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT: Chính việc triển khai sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap đã giúp vải thiều Bắc Giang không chỉ đáp ứng các yêu cầu về xuất khẩu mà còn ứng phó, chiến thắng được những bất lợi về thời tiết. Đây là một giải pháp kỹ thuật mà tỉnh Bắc Giang đang chỉ đạo đúng hướng, góp phần có một vụ mùa thắng lợi, dù sản lượng giảm nhưng giá trị từ quả vải không giảm.

 

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, việc mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm luôn gắn liền với nâng cao chất lượng, tạo dựng thương hiệu và cạnh tranh được về giá cả. Do đó, đây là 3 vấn đề tỉnh Bắc Giang cần quan tâm chỉ đạo đối với vụ vải thiều năm 2018.

 

BCSI
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang