Thương hiệu Việt nào có giá hàng trăm triệu USD?

Thương hiệu Việt nào có giá hàng trăm triệu USD?

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) Chu Ngọc Anh, tính đến hết năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã cấp 274.560 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Số lượng nhãn hiệu của người Việt Nam đã chiếm đến 68% số giấy chứng nhận nhãn hiệu được cấp ra, với 186.613 nhãn hiệu, đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

 


Tại lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Cục SHTT, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh dẫn chứng, nhiều thương hiệu có giá trị lên đến hàng trăm triệu USD như Vinamilk, Viettel, Vingroup… cùng với đó là hàng loạt chỉ dẫn địa lý làm thay đổi đời sống nhân dân.

Ảnh minh họa: PV

Cụ thể, tính đến hết năm 2016, Cục SHTT đã tạo lập một hệ thống tài sản trí tuệ với tổng số khoảng 330.000 văn bằng bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp (16.439 sáng chế, 1.469 giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí mạch tích hợp, 23.145 kiểu dáng công nghiệp, 274.560 nhãn hiệu, 54 chỉ dẫn địa lý). Đây là nền tảng có giá trị cao để thúc đẩy phát triển thị trường KHCN, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, xã hội khai thác phục vụ phát triển kinh tế trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của nước ta hiện nay – nền kinh tế dựa vào lao động chất lượng cao, KHCN và đổi mới sáng tạo.

Đáng chú ý, với sự đóng góp quan trọng của SHTT, Chỉ số đổi mới toàn cầu (GII) và Chỉ số cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (năm 2017 GII của Việt Nam tăng 12 bậc xếp 47/127, đây là thứ hạng cao nhất đạt được từ trước tới nay.  

Trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị Cục SHTT cần tập trung vào thực hiện một số nhiệm vụ: Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược SHTT quốc gia, đảm bảo chất lượng và tiến độ. Đây sẽ là nền tảng cho sự phát triển của lĩnh vực SHTT trong thời gian tới; Xác định các giải pháp để nhanh chóng giải quyết tình trạng tồn đọng đơn đăng ký quyền sở hữu công nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

“Đặc biệt, cần tăng cường mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý đơn đăng ký quyền sở hữu công nghiệp nói riêng, hoạt động của cục nói chung; đổi mới mô hình hoạt động, nâng cao chất lượng công tác quản lý, tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao đời sống của cán bộ công chức, viên chức và người lao động; đảm bảo sự đoàn kết, ổn định của cơ quan” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Lao động

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang