Hội nghị có sự tham dự của khoảng 300 đại biểu đến từ các cơ quan ban ngành, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, hiệp hội, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các chuyên gia kinh tế được kì vọng sẽ là nơi tháo gỡ khó khăn và chia sẻ kinh nghiệm cho các doanh nghiệp xã hội (DNXH) nói riêng và đề cao tính trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Việt Nam nói chung, lan tỏa nhiều hơn nữa tới các tổ chức và cá nhân về sứ mệnh phát triển bền vững vì cộng đồng, cũng như đề xuất các giải pháp mới phù hợp với tình hình phát triển xã hội hiện đại khi hướng tới mục tiêu phát triển bền vững chung dựa trên các yếu tố xã hội, thông qua việc đối thoại thẳng thắn giữa các nhà quản lí chính sách và các doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng biên tập Tạp chí Lê Xuân Đình khẳng định: Nhiều DNXH đã có đóng góp quan trọng vào chuỗi cung cấp sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm an toàn, sạch cho xã hội. Nhiều DNXH với ý tưởng sáng tạo thành công đã góp phần hỗ trợ Chính phủ trong giải quyết các vấn đề xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ và nâng cao năng lực cho các nhóm yếu thế, bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Khu vực DNXH đã và đang hỗ trợ tích cực và hiệu quả cho Chính phủ trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường một cách bền vững. Tuy nhiên, những khó khăn doanh nghiệp gặp phải đang cần sự chung tay hỗ trợ thiết thực của hệ thống chính trị và xã hội. DNXH tại Việt Nam đang hoạt động đa dạng trên các lĩnh vực như giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe, thủ công mỹ nghệ, truyền thông cộng đồng, nông nghiệp, bảo vệ môi trường... Theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, 68% số DNXH có hoạt động hướng tới xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống và nâng cao thu nhập cho nhóm người yếu thế thông qua giáo dục đào tạo nghề, tăng cường kỹ năng và kiến thức. Trong những năm qua, mô hình DNXH tồn tại dưới nhiều hình thức tổ chức và địa vị pháp lý khác nhau như: doanh nghiệp thông thường, tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức từ thiện, doanh nghiệp xã hội đăng ký theo Luật Doanh nghiệp 2014. DNXH ở Việt Nam đang tiếp tục phát triển, mở rộng và được xã hội tôn vinh.
An sinh xã hội là một trong những chính sách xã hội cơ bản thể hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước hướng vào mục tiêu phát triển con người, thúc đẩy công bằng và tiến bộ xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Khái niệm Doanh nghiệp Xã hội là một loại hình doanh nghiệp mới xuất hiện ở Việt Nam và đã có những phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm trở lại đây không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới. Hiện nay, ở nước ta có khoảng 200 tổ chức được xem có đầy đủ các đặc điểm của Doanh nghiệp Xã hội, bên cạnh đó, có hàng chục ngàn tổ chức và doanh nghiệp có những đặc điểm của Doanh nghiệp Xã hội. Các Doanh nghiệp Xã hội đó đang hoạt động khá hiệu quả, bước đầu góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường như: đào tạo kỹ năng nghề cho con em gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật..., tạo cho họ việc làm ổn định, có thu nhập tương đối cao trong điều kiện chung của xã hội. Tuy nhiên, các Doanh nghiệp Xã hội hiện cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, như: thiếu vốn và yếu kém trong khả năng tiếp cận các nguồn tài chính, yếu về năng lực quản lý điều hành và sự thiếu hụt những dịch vụ hỗ trợ và nâng cao năng lực phù hợp cho Doanh nghiệp Xã hội, truyền thông và phát triển thương hiệu cho các Doanh nghiệp Xã hội gặp nhiều khó khăn do nhận thức của cộng đồng về loại hình này doanh nghiệp này còn hạn chế,...
Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành một số cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích hỗ trợ phát triển DNXH. Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã có những quy định khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thành lập DNXH có mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng. DNXH được hưởng các ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật, được tiếp nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài để thực hiện mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường. Các DNXH hoạt động trong lĩnh vực xã hội và môi trường được hưởng các chính sách ưu đãi về cơ sở vật chất hạ tầng và đất đai, các chính sách ưu đãi về thuế và tín dụng.
Tuy nhiên, hoạt động của các DNXH ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như: chưa có khung pháp lý đầy đủ cho DNXH hoạt động; thiếu vốn và kém về khả năng tiếp cận các nguồn tài chính do phần lớn DNXH đều có quy mô nhỏ và còn non trẻ; thiếu năng lực quản lý do phần lớn các doanh nghiệp trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm và hình thức kinh doanh còn mới mẻ.
Tại Hội nghị, bà Catherine Phương, Trợ lý Giám đốc Quốc gia UNDP Việt Nam chia sẻ: Những doanh nghiệp tạo tác động xã hội được hiểu là những tổ chức có cả hoạt động kinh doanh và cả cam kết tác động tích cực đến xã hội/môi trường, là 2 nguyên tắc tập trung trong chiến lược hoạt động của họ. “Với tư cách là UNDP tại Việt Nam, chúng tôi ủng hộ sự hiểu biết sâu rộng hơn về khởi nghiệp xã hội vì chúng tôi nhìn thấy cơ hội lớn cho tất cả những doanh nghiệp từ những doanh nghiệp xã hội nhỏ đến những tập đoàn lớn được tham gia vào rất nhiều hoạt động trong khu vực doanh nghiệp tạo tác động xã hội với một nhiệm vụ xã hội là có những đóng góp quý báu vào các Mục tiêu phát triển bền vững” – bà Catherine Phương nói.
Cũng tại hội nghị TS. Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội - Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: Đối với doanh nghiệp nhà nước, thực hiện an sinh xã hội để khẳng định vai trò chủ đạo của mình đối với các thành phần kinh tế. Quan điểm về phát triển kinh tế – xã hội của Đảng và Nhà nước ta là “tăng trưởng kinh tế gắn liền với công bằng xã hội”. Đồng thời, xác định vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế nhà nước trong quá trình thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Để hiện thực hoá quan điểm này trong cuộc sống thì việc thực hiện an sinh xã hội của các doanh nghiệp luôn đóng vai trò quan trọng.
Đồng quan điểm trên, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu khẳng định thúc đẩy DNXH chính là thúc đẩy phát triển bền vững. Ông Hiếu nhấn mạnh: Dù thế nào, bản thân các DNXH vẫn “cần phải lên tiếng, cần có những diễn đàn để thúc đẩy DNXH phát triển, vì DNXH chính là cách thức phát triển bền vững.”