Các cửa hàng F&B này không thật sự đóng cửa theo nghĩa đen, mà chỉ tạm thời không phục offline tại cửa hàng mà chuyển hết lên online, chứ sự thật là cửa hàng vẫn “mở cửa”..
Chiến lược này mang đến 3 cái lợi: đầu tiên, chủ cửa hàng/doanh nghiệp không phải nơm nớp lo sợ không may có thực khách nào đó vào quán có liên quan đến việc lây nhiễm virus Corona, ảnh hưởng xấu đến danh tiếng và tình hình kinh doanh của quán; thứ hai, cửa hàng có thể nhanh chóng cắt giảm chi phí vận hành; thứ ba, chiếm tiên cơ trên các nền tảng bán hàng online như Grab, Now, Beamin hay Go-Viet.
Thêm nữa, mặc dù Nhà nước mới yêu cầu các trung tâm karaoke, massage, vũ trường, quán bar đóng cửa, mà chưa nhắc tới ngành F&B, nhưng với diễn biến dịch bệnh phức tạp như thế này, biết đâu sẽ nhanh chóng đến lượt họ?! Thế nên, tốt nhất vẫn cứ "tiên thủ hạ vi cường".
Một trong những cửa hàng chọn hướng đi này sớm tại TPHCM là quán cơm gà Hải Nam nổi tiếng ở đường Nguyễn Tri Phương – Quận 5. Quán cơm gà này không hề đóng cửa, vẫn mở bình thường, chỉ là không phục vụ cơm trong quán mà bán mang về. Tại quán, ông chủ vẫn luôn tay chặt gà để bán cho khách mang về, bên cạnh đó vẫn còn khoảng 5 nhân viên đang ngồi phía trước sẵn sàng chạy vào phụ giúp nếu khách hoặc tài xế đến mua hàng mang về quá đông.
Với quy mô nhỏ, các cửa hàng đơn lẻ và các startup chính là những người nhanh chân hơn cả trong cuộc chuyển đổi này.
Ở khía cạnh khác, những tưởng, Golden Gate – doanh nghiệp về F&B lớn nhất Việt Nam, quản lý khoảng hơn 200 cửa hàng với 20 thương hiệu sẽ mãi mãi nói không với các dịch vụ đặt hàng online khi họ vẫn đứng ngoài cuộc chơi cho đến cuối năm 2019, bất kể cả thị trường đều tìm lên online.
Thế nhưng, vào ngày 28/2 vừa qua, cuối cùng Golden Gate cũng đã mở dịch vụ đặt hàng qua mạng với một vài thương hiệu lớn của họ như Gogi, Ashima hay Kichi Kichi, Huton, Manwah..; đặc biệt tập trung ở địa bàn Hà Nội.
Cùng với đó, họ cũng tạm thời đóng kha khá nhà hàng tại Hà Nội. Trên Fanpage của chuỗi Gogi House vừa thông báo, thương hiệu này sẽ tạm dừng hoạt động tại một số cửa hàng tại Hà Nội kể từ ngày 11/3/2020 cho đến khi có thông báo mới. Có 5 cửa hàng Gogi House tại Hà Nội bị ngưng hoạt động trong đợt này: Gogi House tại Hàm Nghi, Trần Văn Lai, Vạn Phúc, Phó Đức Chính, Nguyễn Văn Lộc.
Thương hiệu Kichi-Kichi cũng thông báo 7 nhà hàng đóng cửa cả ngày, 3 nhà hàng đóng cửa buổi sáng chỉ mở buổi tối (17h- 22h) trong tổng số 22 nhà hàng của hệ thống tại Hà Nội. Lịch hoạt động mới này của Kichi-Kichi sẽ có hiệu lực từ ngày 11/3 đến 31/3/2020.
Như nhận định của bà Nguyễn Phi Vân, thì với quy mô cồng kềnh cũng như hệ thống quản lý phân tầng phức tạp, quá trình chuyển đổi hoàn toàn từ offline lên online (nếu có) của những doanh nghiệp lớn sẽ gian truân hơn các cửa hàng nhỏ lẻ hay startup rất nhiều.
Không chỉ ở thời điểm hiện tại, mà kể từ khi các nền tảng giao nhận thức ăn xuất hiện rầm rộ, thì bán hàng online đã trở thành một phần quan trọng của các doanh nghiệp/cửa hàng F&B. Còn nhớ, nhiều chuyên gia nhận định, một trong những nguyên do quan trọng khiến chuỗi Món Huế chết nhanh vì họ đã nói không với các ứng dụng đặt thức ăn online như GrabFood hay Now.